Tận cùng đau đớn của một gia đình cựu binh

08:05, 10/05/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Di chứng của chất độc da cam khiến cựu binh Đinh Kà Lũy đau yếu thường xuyên. Bất hạnh và đau đớn hơn khi những đứa con của ông lần lượt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngớ ngẩn đến tội nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Nỗi đau tột cùng

Năm 1972, khi còn đang ở cái tuổi đôi mươi, ông Đinh Kà Lũy, 68 tuổi, ngụ ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn D20. Trong suốt những năm tháng chiến tranh, ông một lòng kiên trung đi theo tiếng gọi của Tổ quốc.
 
Mưa bom, bão đạn, ông không hề hấn chi. Thế nhưng, chất độc da cam là nỗi đau khiến ông căm phẫn nhất. Đó là tội ác mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Để rồi sau đó, cuộc chiến dù đã trôi qua hơn 40 năm, nhưng hậu quả của nó thì vẫn hằn sâu và nhức nhối, hành hạ và dày vò nhiều thế hệ gia đình, trong đó có gia đình ông Lũy.
 
Vợ chồng ông Lũy có 4 người con. Cô con gái Đinh Thị Rây đã mất. Còn lại 3 người con khác là Đinh Thị Sa, 36 tuổi; Đinh Thị Căng, 35 tuổi và Đinh Văn Riêng, 33 tuổi. Thật đau đớn khi tất cả đều bị ảnh hưởng chất độc da cam, ở mức độ nặng.
 
Vợ chồng ông Lũy và 3 đứa con đáng thương, tội nghiệp.
Vợ chồng ông Lũy và 3 đứa con.
 
Lấy vạt áo khẽ quệt đi những giọt nước mắt lăn dài trên khóe mắt mà có lẽ lâu lắm rồi ông mới dám khóc. Bởi nếu ông yếu đuối thì vợ con không biết sống thế nào. Ông kể rằng, năm 1978, sau khi xuất ngũ trở về, ông kết hôn cùng cô thôn nữ Đinh Thị Hường, nay đã 57 tuổi. 
 
Vợ chồng ông gầy dựng cuộc sống mới ở quê vợ. Ông thì làm công, ăn lương ở địa phương. Bà ở nhà chăm con, lo chuyện bếp núc. Ngày rảnh cùng đi phát rẫy, trồng keo. Vợ chồng chí thú làm ăn. Cuộc sống tuy nghèo nhưng rất đầm ấm. Và rồi, những đứa con lần lượt ra đời. 
 
Ngày chào đời, bọn trẻ bụ bẫm, dễ thương như cục bột. Nào ngờ đâu, lần lượt từng đứa, cứ độ khoảng 6 tuổi, chuẩn bị đến trường thì đau ốm liên miên, bắt đầu có biểu hiện lạ. 
 
Trong ba đứa con của ông Lũy,
Trong ba đứa con của ông Lũy, Đinh Thị Căng, 35 tuổi bị ảnh hưởng chất độc da cam nặng nhất. Hầu như chỉ nằm một chỗ và hoàn toàn không thể đi lại.
 
Các chi dần biến dạng, teo tóp, cong queo. Người yếu ớt và hay co giật. Vợ chồng suy sụp, hụt hẫng, chán nản. Ông Lũy không hiểu chuyện gì đã xảy ra với gia đình mình, với cơ thể của các con mà bác sĩ bảo không chữa trị được. 
 
“Mãi đến sau này, vợ chồng mới biết, con cái mình sinh ra đều bị nhiễm chất độc da cam. Tôi mà biết các con đều bị như thế này sẽ chỉ sinh có một đứa. Hồi đó cứ hi vọng, đứa này bị thì còn đứa khác. Nào ngờ, đứa nào cũng bị hết”, ông Lũy bày tỏ sự tuyệt vọng.
 
“Tàn tật” theo con
 
Chị Sa- đứa con gái đầu lòng may mắn có gia đình, sinh được người con gái nhưng càng lớn tuổi, bệnh chị càng nặng. Người chồng bỏ đi biệt tăm. Hôn nhân tan vỡ không lâu sau đó.
 
Chị Căng nặng nhất, nằm một chỗ, nói cười ngây ngô bất thường. Còn anh Riêng, niềm hi vọng của gia đình cũng không thoát khỏi số phận như hai chị. Việc đi lại, cử động gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc hẳn vào cha mẹ.
 
“Sinh con ra, mình chưa nghĩ đến việc con sẽ nuôi lại mình. Tôi chỉ mong được làm tròn trách nhiệm người làm cha, làm mẹ. Đó là nuôi con ăn học trưởng thành và dựng vợ gả chồng. Thế nhưng, nguyện ước ấy mãi mãi không thành. Nhìn con người ta, ngó lại cảnh mình, đau đớn lắm chứ!”, ông Lũy bộc bạch.
 
Mọi sinh hoạt hằng ngày của các con đều phụ thuộc hoàn toàn vào vợ chồng ông Lũy.
Mọi sinh hoạt hằng ngày của các con đều phụ thuộc hoàn toàn vào vợ chồng ông Lũy.
 
Ông Lũy từng là trưởng công an xã và tham gia công tác hội cựu chiến binh ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà. Dù ở cương vị, công việc nào, ông đều nỗ lực hết mình, được đồng nghiệp và người dân tin yêu, quý trọng. Ấy vậy mà, kể từ khi chuyển về nơi ở mới ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, ông như một người “tàn tật” theo con. 
 
Ảnh hưởng bởi chất độc da cam, sức khỏe của ông ngày càng suy giảm, cộng với cơn tai biến cách đây vài năm, ông chỉ còn có thể quẩn quanh trong nhà. Mọi việc lớn, nhỏ bây giờ đều phụ thuộc vào người vợ. Hàng ngày, bà phải tắm giặt, thay quần áo, phục vụ cơm nước cho 3 đứa con ngây ngô, đau yếu. Mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men của cả gia đình đều trông vào khoản trợ cấp ít ỏi của các con.
 
“Bình thường không sao, chứ những lúc ốm đau nằm xuống, bọn trẻ không có ai chăm sóc. Tội nghiệp lắm! Giờ đây, chúng tôi chỉ cầu mong có sức khỏe để còn lo lắng cho chúng được lúc nào hay lúc đó. Mai đây khi vợ chồng tôi chết đi, không biết rồi chúng sẽ sống chết thế nào nữa”, vợ ông Lũy nghẹn ngào nói.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Đinh Thị Chiên, chia sẻ: “Ở đây, không có hoàn cảnh nào xót xa hơn gia đình ông Lũy. Địa phương cũng vận động bà con chòm xóm, láng giềng thường xuyên chia sẻ, thăm hỏi, động viên và giúp đỡ, nhất là những lúc đau ốm, để ông Lũy tiếp tục nỗ lực mà vươn lên trong cuộc sống, làm chỗ dựa cho các con”.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.