Phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động

06:05, 31/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, người lao động (NLĐ) trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh mắc bệnh nghề nghiệp (BNN) ngày càng gia tăng, nhưng chưa được các cơ quan chức năng và chủ sử dụng lao động quan tâm đúng mức.

Thiếu quan tâm đến người lao động

Làm việc ở bộ phận sơn gỗ thuộc Công ty TNHH Tân Hải (KCN Tịnh Phong), môi trường bụi, độc hại cao, nhưng anh Trần Tám chỉ trang bị khẩu trang vải đơn giản. Anh Tám nói: “Biết là độc hại, nhưng vì cuộc sống nên đành chấp nhận”. Chị Huỳnh Thị Hường, làm việc ở bộ phận làm nguội sản phẩm gỗ cũng ở công ty này thì chia sẻ: Do phải thường xuyên chà gỗ, hít phải bụi và sơn nên thường xuyên bị viêm xoang mũi, viêm đường hô hấp. Tuy làm việc trong môi trường nhiều bụi, nhưng chị Hường và nhiều NLĐ chưa được công ty tạo điều kiện cho khám sức khỏe, hoặc khám BNN.

Công nhân Công ty TNHH Tân Hải thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi gỗ và hóa chất từ sơn.
Công nhân Công ty TNHH Tân Hải thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi gỗ và hóa chất từ sơn.


Công ty TNHH Tân Hải có hơn 100 lao động. Giám đốc công ty Lê Văn Mẹo cho biết: NLĐ làm việc ở đây luôn biến động nên khó tổ chức khám BNN. Đối với NLĐ làm ở bộ phận sơn, môi trường độc hại nên công ty có chế độ bồi dưỡng thêm 10 nghìn đồng/người/ca.  

Phó Ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ tỉnh) Trương Văn Hà cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng nghìn lao động làm việc ở lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, công nghiệp nặng... Do môi trường làm việc ô nhiễm tiếng ồn, bụi, nên nguy cơ NLĐ mắc BNN khá lớn. Việc phòng, chống BNN chưa được các đơn vị sử dụng lao động quan tâm đúng mức, dẫn đến NLĐ không được hưởng các quyền lợi theo quy định.
 

Năm 2017, Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đo quan trắc môi trường tại 131 DN, với trên 7.800 mẫu. Kết quả, có gần 1.400 mẫu không đạt. Từ đầu năm 2018 đến nay, trong số 2.633 mẫu được đo quan trắc tại 42 doanh nghiệp, đơn vị thì có trên 300 mẫu không đạt yêu cầu về an toàn lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ.

Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh không có phòng y tế chăm sóc sức khỏe cho NLĐ và không thực hiện phân loại lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Luật An toàn vệ sinh lao động quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng khí, ánh sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường. Quy định là vậy, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp không thường xuyên kiểm tra môi trường làm việc của NLĐ.

Tăng cường khám bệnh nghề nghiệp

Hiện toàn tỉnh chỉ có Khoa Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là nơi trực tiếp chịu trách nhiệm giám sát môi trường lao động, kiểm soát các yếu tố độc hại, các điều kiện lao động nặng nhọc độc hại; khám sức khỏe định kỳ, khám BNN cho NLĐ.

Tuy nhiên, do năng lực chuyên môn còn hạn chế, thiếu nhân lực, thiết bị nên khoa chỉ mới thực hiện khám BNN, như điếc, viêm phế quản, bụi phổi... Trong năm 2017, khoa chỉ tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ ở 9 DN, với hơn 2.000 lao động, trong khi đó trên địa bàn tỉnh có hơn 4.000 DN.

Theo Phó Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), bác sĩ H Kim Dung Kbuôr, để chăm sóc sức khỏe và phòng chống BNN cho NLĐ đạt hiệu quả, tỉnh cần quan tâm bố trí kinh phí hoạt động và tăng cường đầu tư trang thiết bị. Khoa chỉ có 2 bác sĩ nên cần bổ sung thêm nhân lực để triển khai khám BNN chuyên sâu (có 34 bệnh nghề nghiệp trong danh mục quy định). Để hạn chế những tác hại của BNN đối với sức khỏe NLĐ, ngoài tăng cường trách nhiệm của các chủ sử dụng lao động, các cơ quan chức năng, thì bản thân NLĐ cũng cần có kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe và đưa ra những yêu cầu chính đáng về các chế độ, thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc BNN.


           Bài, ảnh: KIM NGÂN



 


.