Khởi sắc nhờ đồng lòng

08:05, 06/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Đoàn kết là sức mạnh”. Phát huy tinh thần ấy, nhiều cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã cùng chung sức, chung lòng, góp sức thay đổi diện mạo quê hương; cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau vươn lên về mọi mặt.

Chung sức xây dựng quê hương

Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, các tuyến đường chính Ba Gia – An Điềm, Bình Hiệp – Tịnh Trà, đoạn ngang qua xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) rực rỡ cờ hoa. Những lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh được gắn trên những cột cờ được làm đồng loạt theo một mẫu, góp phần làm cho cảnh quan nông thôn trở nên khang trang, khởi sắc hơn.

Người dân ở xóm Tân Lập cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả.                                                     Ảnh: Ý THU
Người dân ở xóm Tân Lập cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả. Ảnh: Ý THU


Nhờ sự đồng lòng của người dân, mô hình cột cờ cùng một mẫu dù mới triển khai tại Tịnh Trà từ đầu năm 2018, nhưng đến nay đã có hơn 300 cột cờ được hoàn thiện. “Theo nguyện vọng của người dân, từ nay đến cuối năm, đoàn thanh niên sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân triển khai mô hình này tại các tuyến đường còn lại của xã”, Bí thư Đoàn xã Tịnh Trà Trương Thế Vỹ cho biết.

Cũng mong muốn góp tâm sức, thay đổi diện mạo nông thôn, người dân thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã cùng nhau đóng góp, dựng xây những công trình trên mảnh đất quê hương.

Nhìn tuyến đường từ KDC số 16 đến nghĩa địa Đám Suốt nay đã được bê tông, bà Bùi Thị Tuyết, người dân thôn An Hải vui mừng chia sẻ: “Mới năm ngoái, tuyến đường này vẫn còn là đường đất trơn trượt, lầy lội mỗi khi trời mưa, nay đã được bê tông phẳng lỳ. Vui hơn nữa là, mỗi một mét đường bê tông, đều mang trong đó một phần tiền của, đất đai, công sức đóng góp của người dân chúng tôi”.

Nhờ sự đồng thuận của người dân, từ năm 2017 đến nay, thôn An Hải đã huy động được gần 600 triệu đồng, để bê tông gần 2km đường giao thông nông thôn. Không chỉ góp tiền, 35 hộ dân thôn An Hải còn tham gia hiến đất mở đường. “Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nên tất cả các khâu, chúng tôi đều đưa ra họp, xin ý kiến người dân và minh bạch để người dân giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện. Từ đó, tạo được sự tin tưởng và đồng thuận cao của tất cả người dân trong thôn”, Bí thư Chi bộ thôn An Hải Nguyễn Hữu Thịnh, cho hay.

Cùng nhau làm giàu

Đời sống được nâng lên, tình làng nghĩa xóm trở nên keo sơn, gắn bó. Đó là kết quả mà người dân xã Bình Long (Bình Sơn), có được từ sự chuyển hướng phát triển kinh tế sang nuôi gà theo hướng công nghiệp và giúp đỡ nhau nhân rộng mô hình, để cùng vươn lên làm giàu.

Cùng trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm, chia sẻ, hỗ trợ nhau tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đã giúp mô hình nuôi gà theo hướng công nghiệp của người dân Bình Long ngày một phát triển bền vững và tạo được thương hiệu trên thị trường. Từ đàn gà 8.000 con, sau 5 năm phát triển, Câu lạc bộ Chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp ở Bình Long đã phát triển đàn gà lên trên 380 nghìn con. Tổng thu nhập bình quân của các hộ tham gia CLB, không dưới 1 tỷ đồng/hộ/năm. Không chỉ cùng chí hướng trong phát triển kinh tế, thành viên của CLB còn cùng nhau trích quỹ, để hằng năm giúp đỡ các hộ nghèo khó.

Cũng quyết tâm vươn lên làm giàu, 30 hộ dân thôn Tân Lập, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), đã cùng nhau thực hiện khát vọng hình thành một vùng chuyên canh cây ăn quả ngay tại quê hương. Người đi trước có kinh nghiệm chia sẻ cho người đi sau. Cứ thế, từ 7ha trồng cây ăn quả vào năm 2013, đến nay, Tân Lập đã hình thành được vùng trồng cây ăn quả 19ha, với sự tham gia của 30 hộ dân.

“Đều đặn hằng tuần, mấy anh em chúng tôi họp nhau lại, để chia sẻ, nhắc nhở nhau các công đoạn chăm sóc của từng loại cây ăn quả, tình hình sâu bệnh tại từng vườn để kịp thời trao đổi kinh nghiệm phòng trừ... Trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa là hướng đi mới, nên mấy anh em luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau”, Chi hội trưởng Chi hội Trồng cây ăn quả xã Hành Nhân Nguyễn Đăng Tịnh cho biết.

Chung sức, chung lòng, người dân Tân Lập cùng nhau vun trồng những giống cây ăn quả tưởng chừng chỉ sinh trưởng, phát triển tốt ở miền Nam như sầu riêng, chôm chôm, nhãn... và đã có nhiều vườn cây đạt doanh thu bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/ha/năm. Mảnh đất hoang vu dưới chân núi Bé ngày nào, được phủ xanh bởi sự đồng lòng của người dân Tân Lập không ngại khó, ngại khổ.

ĐÌNH DIỆU - Ý THU

 


.