Cuộc sống của người mẹ mang bệnh "chết giả"

02:05, 16/05/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Dù mang trong mình căn bệnh “chết giả” khiến thân thể tiều tụy nhưng bà Đinh Thị Leng, ngụ ở thôn Bờ Reo, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà vẫn liều mình mang thai, “vượt cạn” tới 10 đứa con. Cuộc sống vùng sơn cước trôi qua trong những chuỗi ngày khó khăn cùng cực, tương lai của những đứa trẻ chưa biết đi về đâu.

TIN LIÊN QUAN

Căn bệnh hy hữu
 
Dò dẫm từng bước chân để vượt qua những quả đồi trong cơn mưa chiều nặng hạt, vợ chồng bà Đinh Thị Leng, 45 tuổi và ông Đinh Văn Tứt, 54 tuổi mới tìm về được đến nhà, sau một ngày vất vả đi làm keo cho người trong làng.
 
Nhà của vợ chồng bà Leng nằm biệt lập trên một đỉnh núi cao chót vót, với vài căn nhà thưa thớt trong thôn. Chồng bà Leng cho hay, ông quen rồi kết hôn với bà từ cái thuở mười chín, đôi mươi. Lúc đó, bà Leng là một thiếu nữ xinh đẹp có tiếng ở làng. Từ dạo đó, đi đâu vợ chồng cũng có đôi có cặp, ánh mắt chất chứa niềm hãnh diện vô cùng.
 
Nói đến căn bệnh “chết giả” hiếm gặp của vợ mình, ông bảo, tôi lúc nào cũng canh chừng bà ấy, sợ sơ ý bà ấy bỏ tôi và con thơ về "thế giới bên kia" thì buồn nào tả được.
 
Vợ chồng bà Đinh Thị Leng và ông Đinh Văn Tứt
Bà Đinh Thị Leng cùng chồng là ông Đinh Văn Tứt đi làm thuê trên rẫy về.
 
Hầu như từ khi sinh ra, thi thoảng bà Leng lại lên cơn "chết giả”. Tháng nào cũng đôi ba bận. Chính căn bệnh ấy đã khiến bà từ một người có thân hình khá ưa nhìn thành người khô quắp, dần mất đi sức sống.
 
Ông Tứt ngồi tựa lưng vào vách nhà sàn, dõi nhìn sang đồi núi cạnh đó, trầm ngâm kể: "Cách đây vài hôm, khi đang làm thuê trên rẫy, trời nắng chang chang, Leng cảm thấy khó thở vì mất sức, sau đó tay chân tê cứng, ngất lịm hàng tiếng đồng hồ. May tôi phát hiện kịp rồi đưa về nhà nếu không chẳng biết chuyện gì xảy ra nữa".
 
Ông Tứt vừa ngớt lời, bà Leng ngồi bên nói thêm: "Những hôm trở trời là cơ thể mình đều bị như vậy. Căn bệnh ấy đã đeo bám tôi mấy chục năm rồi. Ban đầu cứ nghĩ mình bị bệnh tim, nhưng khi đi thăm khám tại trung tâm y tế, bệnh viện, bác sĩ thông báo mình bị bệnh “chết giả”. Thú thật mình cũng chẳng biết đó là căn bệnh như thế nào nữa, vì trước giờ trong thôn chưa ai mắc phải".
 
Theo các chuyên gia y tế, "chết giả" là trạng thái hôn mê sâu, cơ thể tê liệt nhưng các bộ phận, chức năng cơ thể vẫn hoạt động dù ở cơ số rất thấp, tim đập cực kỳ chậm. Người mẹ mắc phải chứng bệnh “chết giả” hy hữu này khi sinh con sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Dễ nhận thấy nhất là thời gian chuyển dạ sẽ kéo dài, dễ làm suy, ngạt thai gây nguy hiểm cho trẻ.
 
“"Chết giả" hay còn được nhắc đến bằng một cái tên khác là bệnh động kinh. Biểu hiện của chứng bệnh này là thường xuyên lên cơn co giật, nếu nặng sẽ dẫn đến hôn mê sâu. Người phụ nữ sau khi lập gia đình cần phải hết sức cân nhắc đến chuyện sinh con vì vừa ảnh hưởng đến người mẹ, vừa ảnh hưởng đến thai nhi, nhất là khi người mẹ dùng nhiều thuốc thần kinh”- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà Đinh Thị Hợi, cho biết thêm.
 
 
Kể từ khi sinh đứa con trai út Đinh Văn Thớ thì vợ chồng bà Leng dừng hẳn việc sinh con vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.
Kể từ khi sinh đứa con trai út Đinh Văn Thớ thì vợ chồng bà Leng dừng hẳn việc sinh con vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.
 
 
Những lần vượt cạn chết đi, sống lại
 
Biết mình đang mắc phải chứng bệnh hy hữu nhưng bà Leng vẫn liều mang thai, sinh 10 người con. Hậu quả của việc sinh con nhiều là một số đứa con của bà đành gác lại việc học hành sớm vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá nghèo túng. 
 
Trong số 10 người con mà vợ chồng bà khai sinh trong hộ khẩu thì chỉ còn 7 người còn sống, 3 người còn lại không may yểu mệnh chết sớm. Nhưng ám ảnh nhất đối với bà Leng là lần “vượt cạn” sinh đôi. Lúc ấy, bà lại “chết giả”, lâu trở dạ khiến hai con mình ngạt thở, chết lưu thai trong bụng mẹ.
 
Gần đây nhất, vào năm 2012, khi sinh đứa con trai út Đinh Văn Thớ, bà Leng suýt bỏ mạng cũng vì chứng bệnh ấy. Khi Thớ vừa lọt lòng, bà “chết giả” tận 2 tiếng đồng hồ mới tỉnh lại. Từ đó, bà khuyên chồng không nên sinh con nữa.
 
Những đứa trẻ chào đời đều nhờ các bà mụ ở làng đỡ đẻ tại nhà. Họ dùng thanh lồ ô rừng vót nhọn để cắt dây rốn. Không ít lần bà Leng đến với các trung tâm y tế, bệnh viện để can thiệp việc kế hoạch hóa gia đình nhưng do mắc bệnh nặng, sợ nguy hiểm cho sức khỏe của bà, các y, bác sĩ đều lắc đầu từ chối.
 
Chủ tịch UBND xã Sơn Thượng Đinh Thị Minh Sang, cho biết: “Cán bộ dân số ở địa phương nhiều lần trực tiếp đến nhà chia sẻ các biện pháp kế hoạch hóa gia đình với người chồng nhưng do ý thức của hai vợ chồng vẫn còn hạn chế nên địa phương cũng đành “chào thua””. Chỉ đến khi sinh đứa út, địa phương quyết liệt tuyên truyền, vận động thì vợ chồng chị mới dừng hẳn việc sinh con”.
 
Vì mang trong mình bệnh tật, không thể làm việc nặng, mọi sinh hoạt của gia đình hay việc nuôi nấng những đứa trẻ đều do một tay mẹ bà Leng đảm nhận. Còn anh Tứt phải chạy vạy khắp nơi để lo ăn từng bữa. Tới mùa, ông Tứt đi làm phu keo thuê, mỗi ngày chỉ được trả 120.000 đồng, cũng chẳng đủ để lo vợ con. Ngày này qua ngày khác, họ cứ lẩn quẩn trong đói nghèo, chẳng khá lên được.
 
Mới đây, em Đinh Thị Thảo, 17 tuổi, con gái thứ ba, mới học lớp 8, mang bầu tháng thứ 9 phải nghỉ học giữa chừng và chuẩn bị sinh nở. Không ít lần, các giáo viên ở địa phương vượt núi, băng rừng vận động nhưng bụng to, mắc cỡ với bạn bè nên Thảo dừng hẳn việc học để cùng “chồng tương lai” gầy dựng cuộc sống mới.
 
Ở cái tuổi vẫn còn xuân nhưng vợ chồng anh Tứt không khác gì những cụ ông, cụ bà trong thôn. Con đông, cuộc sống của gia đình hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, cũ kỹ, chật hẹp rải rác khắp nơi là đồ đạc của trẻ con. Cái ti vi là vật dụng quí giá nhất.
 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.