Bất cập trong xử lý rác thải ở miền núi

10:05, 24/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công nghệ xử lý rác thải lạc hậu, công tác thu gom rác chưa được quan tâm đúng mức là những tồn tại trong công tác xử lý môi trường ở các huyện miền núi trong tỉnh.
 

TIN LIÊN QUAN


Nhu cầu nhiều, thu gom hạn chế

Bãi chứa rác thải sinh hoạt của huyện Tây Trà ở thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh (Tây Trà), được đầu tư xây dựng từ năm 2007, với kinh phí 50 triệu đồng. Là bãi chứa rác thải của toàn huyện, nhưng thực chất chỉ phục vụ cho xã Trà Phong là chủ yếu. Tuy nhiên, do chỉ rộng 1.600m2 nên đến nay đã quá tải.

Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt ở Ba Tơ lạc hậu và thường xuyên bị hư hỏng.                                                                                                                             Ảnh: Ý THU
Hệ thống xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt ở Ba Tơ lạc hậu và thường xuyên bị hư hỏng. Ảnh: Ý THU


Tại huyện Sơn Tây, dù công tác thu gom rác thải được thực hiện tại 6/9 xã, nhưng bãi đốt kết hợp chôn lấp rác thải sinh hoạt của huyện (tại xã Sơn Tân) chỉ rộng chưa đến 1.500m2, công suất thiết kế khoảng 17.000m3. Từ năm 2014 – 2016, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện từ 2.600 – 2.700 tấn/năm, nhưng khối lượng thu gom chỉ đạt 450- 650 tấn/năm. Từ năm 2017 đến nay, công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, nhưng cũng chỉ thực hiện được 1.800/3.000 tấn.

Với huyện Sơn Hà, dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã xây dựng được 3 bãi chứa rác thải, với tổng diện tích khoảng 35.000m2. Tuy nhiên, tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý từ năm 2014 đến nay chỉ khoảng từ 9 - 13%. Còn huyện Ba Tơ, hoạt động thu gom rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn mới thực hiện được ở 6/7 tổ dân phố của thị trấn Ba Tơ, 1 thôn của xã Ba Cung và khu vực xã Ba Động.

Tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường

Do không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, rác thải chưa được xử lý đúng quy trình, nên hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt ở miền núi luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bãi chứa rác thải huyện Tây Trà là bãi chứa lộ thiên, không được chôn lấp, nằm chỉ cách Tỉnh lộ 622B khoảng 10m và cạnh sông Hà Riềng, nên mỗi khi có mưa, nước từ bãi rác chảy đi khắp nơi. Tuy hoạt động hơn 10 năm, nhưng bãi rác này vẫn chưa có hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường; không thực hiện các biện pháp quan trắc môi trường hằng năm.

Còn tại huyện Sơn Tây, theo quy định không được đốt rác tại bãi chôn lấp, nhưng huyện Sơn Tây lại sử dụng đồng thời hai phương pháp vừa chôn lấp, vừa đốt rác mà không có lò đốt, không có hệ thống kiểm soát khí thải. Nước rỉ rác tại bãi chôn lấp cũng chưa được xử lý theo đúng quy trình.

Tại Ba Tơ, dù Dự án Bãi xử lý rác thải thị trấn Ba Tơ có tổng mức đầu tư gần 3,5 tỷ đồng, sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn bằng lò đốt, công suất 1 – 1,5 tấn/giờ, nhưng lò đốt chỉ áp dụng được trong thời tiết khô ráo, còn vào mùa mưa, rác thải bị ẩm, lò không đốt được, nên rác thải thường bị ùn ứ”. Không những thế, bãi xử lý rác thải này cũng chưa có hố xử lý nước rỉ rác, việc thực hiện báo cáo giám sát môi trường, quan trắc nước thải, khí thải chưa được huyện quan tâm.

X.HIẾU - Ý THU
 


.