Áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong cơ quan hành chính: Còn nhiều hạn chế

09:05, 29/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập. Đây là một trong những tiêu chí mà tỉnh ta bị trừ điểm trong các chỉ số về cải cách hành chính (CCHC).

Theo quy định tại Quyết định 832 của UBND tỉnh, đến cuối năm 2016, tất cả các cơ quan hành chính nhà nước thuộc diện bắt buộc phải hoàn thành việc xây dựng, áp dụng và thực hiện công bố HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 10/46 cơ quan (chiếm 21,74%) chưa thực hiện đầy đủ.

Trong đó, có 7/10 cơ quan đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai thực hiện, còn 3/10 cơ quan chưa thực hiện. Nguyên nhân là do nguồn ngân sách chưa được cân đối và phân bổ kinh phí đầy đủ, để các cơ quan thực hiện xây dựng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo quy định.

 Giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa tại phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi).
Giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận một cửa tại phường Nghĩa Chánh (TP. Quảng Ngãi).


Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh (Sở KH&CN), trong số  36/46 cơ quan (chiếm 78,26%) đã thực hiện xây dựng, áp dụng HTQLCL, thì hầu hết áp dụng tích hợp hệ thống một cửa, góp phần tăng hiệu quả của HTQLCL.
 

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2008 ở cơ quan hành chính nhà nước là dựa trên các nguyên tắc quản lý chất lượng cơ bản, nhằm tạo ra một phương pháp làm việc khoa học, mang tính hệ thống, đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, nâng cao tính chất phục vụ, gắn bó giữa Nhà nước với nhân dân chặt chẽ hơn.

Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng cho biết: Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO đã góp phần tích cực trong giải quyết các công việc chuyên môn của UBND thành phố. Các quy trình được cụ thể hoá, xác định rõ trách nhiệm của các phòng, ban, đơn vị. Hệ thống ISO đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch trình tự thủ tục, các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu phải nộp, thời gian hoàn thành, từ đó đưa ra biện pháp giúp đơn giản hóa các TTHC; từng bước cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ và kỹ năng hành chính của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.

Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính trong việc thẩm tra, xác minh và giải quyết các TTHC. Qua đó, tạo sự thông thoáng trong giải quyết các TTHC, từng bước khắc phục tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà đối với công dân.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Hoàng, nhân lực cho công tác tham mưu, tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm soát HTQLCL của các phòng, ban là cán bộ, công chức kiêm nhiệm và thay đổi thường xuyên, nên ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng của việc kiểm tra, đôn đốc, xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tại đơn vị.

Các văn bản pháp luật thường xuyên thay đổi, bổ sung, điều chỉnh nhiều, dẫn tới các cơ quan hành chính phải thường xuyên soát xét các quy trình tác nghiệp, để ban hành, áp dụng. Mặt khác, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, trụ sở làm việc của các phòng, ban thuộc thành phố chật hẹp, chưa đảm bảo cho việc lưu trữ hồ sơ. Không chỉ riêng ở TP.Quảng Ngãi, mà đây cũng là khó khăn chung của một số cơ quan, địa phương trong việc áp dụng hệ thống ISO 9001:2008.

Việc đưa HTQLCL vào hoạt động tại các cơ quan hành chính nhà nước là yêu cầu tất yếu. Do vậy, những khó khăn, bất cập nêu trên cần sớm được khắc phục, để việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2008 đạt hiệu quả.


 Bài, ảnh: X.THIÊN



 


.