Sống bất an trong vùng sạt lở

08:04, 25/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu trên địa bàn huyện Sơn Tây đang sống trong phập phồng lo lắng, bởi tình trạng sạt lở đang đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản. Một số trường hợp dù vào ở trong khu tái định cư (TĐC) nhưng vẫn bị sạt lở đe dọa.

TIN LIÊN QUAN

Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở

Xã Sơn Mùa nằm ở trung tâm huyện Sơn Tây (mới), nhưng tình trạng sạt lở vẫn liên tục xảy ra, khiến các hộ dân nằm trong vùng sạt lở lo lắng. Theo thống kê của UBND xã Sơn Mùa, trên địa bàn xã hiện có 9 hộ dân nằm trong diện cần phải di dời khẩn cấp. Căn nhà của ông Đinh Văn Nùng, ở thôn Nước Min, nằm bên bờ sông khiến gia đình ông luôn lo sợ, nhất là vào mùa mưa.

“Mùa hè nhưng cũng rất sợ, vì chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài vài giờ đồng hồ thì nền đất bị yếu cộng với nước sông chảy mạnh xói vào, thì nguy cơ sạt lở rất cao. Vào mùa mưa thì càng lo hơn. Gia đình tôi nghèo quá nên không có điều kiện di dời", ông Nùng cho biết.

 Tình trạng sạt lở đang đe dọa đến tài sản và tính mạng của hàng nghìn người dân huyện vùng cao Sơn Tây.  Trong ảnh: Hai ngôi nhà của người dân thuộc Khu TĐC Nước Vương đang nằm trong diện phải di dời khẩn cấp.
Tình trạng sạt lở đang đe dọa đến tài sản và tính mạng của hàng nghìn người dân huyện vùng cao Sơn Tây. Trong ảnh: Hai ngôi nhà của người dân thuộc Khu TĐC Nước Vương đang nằm trong diện phải di dời khẩn cấp.


Không chỉ Sơn Mùa mà ở các xã như Sơn Tinh, Sơn Màu, Sơn Dung, Sơn Liên... tình trạng sạt lở núi, bờ sông, suối cũng đang đe dọa hàng trăm hộ dân. Thậm chí các hộ dân vào sống trong các khu TĐC cũng không yên tâm, bởi sạt lở đang tiến sát vào nền nhà. Riêng tại Khu TĐC Nước Vương, xã Sơn Liên, từ hai năm qua rất nhiều hộ dân phải sống trong tâm trạng lo sợ, vì cả vạt đất vườn phía sau nhà nay trở thành vực sâu.

Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Đông Phong cho biết, hiện ở Khu TĐC Nước Vương có hai trường hợp người dân thuộc diện di dời, TĐC dự án thủy điện Đăkđrinh cần phải di dời khẩn cấp, vì tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại. “Để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân, đề nghị các cấp, ngành cần bố trí kinh phí để sớm di dời các hộ dân đến nơi ở mới an toàn hơn”, ông Phong kiến nghị.

Hàng trăm hộ dân cần di dời

Theo thống kê của UBND huyện Sơn Tây, hiện trên địa bàn huyện có 28 điểm có nguy cơ sạt lở, với 340 hộ dân trên địa bàn 9 xã. Trong đó có 14 điểm sạt lở với 92 hộ dân cần di dời khẩn cấp.

Không chỉ người dân lo lắng tình trạng sạt lở núi, bờ sông, suối mà ngay cả các cán bộ đang làm việc tại một số cơ quan hành chính trên địa bàn huyện cũng phập phồng lo sợ, như LĐLĐ huyện, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Nhà công vụ và Phòng Tài chính.

Trước đó, vào mùa mưa 2016 và 2017, tình trạng sạt lở núi xảy ra đã kéo theo một lượng lớn đất, đá vùi lấp nhiều phòng làm việc của các cơ quan này, gây hư hỏng tài sản, sụp đổ tường rào. Tại cơ quan này có hơn 100 cán bộ, công chức và người lao động đang làm việc hằng ngày. Nhiều cán bộ làm việc ở đây cho biết, rất lo sợ ngọn núi phía sau có thể sạt lở, nhất là mỗi khi trời mưa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết, sau khi người dân phản ánh, huyện lập đoàn đi kiểm tra và nhận thấy tại các vị trí mà người dân phản ánh mất an toàn là có thật. Huyện có văn bản đề xuất danh mục các dự án di dời khẩn cấp gửi Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để hỗ trợ kinh phí.

"Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã chỉ đạo UBND các xã tổ chức thực hiện việc di dời các hộ dân nằm trong diện cần di dời khẩn cấp đến nơi ở mới theo chính sách tại Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với hai hộ dân tại Khu TĐC Nước Vương, trước mắt đề nghị UBND xã Sơn Liên tổ chức họp dân và báo cáo UBND huyện để đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí hoặc chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm bố trí ngân sách để di dời người dân đến nơi an toàn”, ông Ven kiến nghị.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


 


.