Làng "tha hương"

08:04, 12/04/2018
.

 


(Baoquangngai.vn) - “Làng tha hương” là tên đặt cho thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), bởi hầu hết người dân nơi đây đều rời quê đi làm ăn xa. Cả làng có 540 hộ thì hơn phân nửa dân rời quê hương vào các tỉnh phía Nam để mưu sinh.

Tha hương… nửa làng

Chạy theo đường bê tông về thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), đi dọc hai bên đường không khó để thấy hình ảnh những căn nhà đóng kín cửa, phủ đầy rong rêu. 

Ông Lâm Văn Minh - Trưởng thôn Thọ Nam (xã Tịnh Thọ) giãi bày, trai gái trong làng trong độ tuổi lao động đều vào Nam lập nghiệp. Nhiều cặp vợ chồng mới cưới nhưng rồi cũng khăn gói vào Nam. 

Chỉ tính riêng xóm 4 của thôn có 200 hộ, nhưng hiện có gần 100 hộ/200 nhân khẩu đi làm ăn xa. Rất nhiều người sau khi làm ăn có điều kiện, họ cắt khẩu chuyển đi nơi khác sinh sống, không quay lại địa phương nữa. 

Cũng theo ông Minh, thôn Thọ Nam vốn dĩ là làng thuần nông nhưng ít đất, chủ yếu là đất gò đồi, dẫn tới khó khăn trong canh tác, sản xuất nông nghiệp. Từ đó, thay vì bỏ hoang, nhiều người dân chuyển sang trồng cây lâm nghiệp.

 

vvvvvbb
Nhiều ngôi nhà đóng kín cửa quanh năm.


Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Hồng (xóm 4, thôn Thọ Nam). Vừa vào tới cổng nhà, hai đứa trẻ lên 5, lên 6 đang gò lưng thu dọn củ mì. Thấy có người lạ, chúng nhanh chân chạy về phía bà Hồng đang lom khom kéo một xe phân nặng trĩu ra sau vườn.

30 năm mưu sinh ở Sài Gòn, nuôi 7 người con trưởng thành, bà Hồng không nhớ bà đã làm bao nhiêu nghề. Bà Hồng nhớ lại, thời đó lấy nhau về chỉ có hai bàn tay trắng, 7 đứa con nheo nhóc, 2 sào ruộng không đủ ăn. Khi nghe người thôn bên bảo vào Nam dễ làm ăn nên hai vợ chồng bà vào Sài Gòn làm đủ thứ nghề, từ bốc vác, đánh giày, bán vé số, đến xin làm công nhân....

Giờ đây, 5 người con trai của bà Hồng cũng chọn các tỉnh phía Nam làm nơi lập nghiệp, mưu sinh.  Đứa con trai út ra đi, để 2 đứa cháu cho bà chăm sóc. Tết mới trở về. 

Mong ước… của người ở lại

Giữa trưa; chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thảo, tuyến đường liên thôn lúc này đỡ hiu quạnh, khi có từng nhóm học sinh tan trường.

Vừa về tới nhà, em Đỗ Thị Thu Thủy, con gái đầu của chị Thảo (15 tuổi, lớp 8, Trường THCS Tịnh Thọ)  chưa kịp thay đồ đã vội vào bếp. Nhà nghèo, các món ăn cho bữa cơm Thủy nấu cũng rất đơn giản và nhanh. 15 tuổi nhưng Thủy trông chững chạc hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

Gạt vội những giọt mồ hôi ướt đẫm trên tráng, Thủy kể, cả 4 chị em đều sống xa mẹ từ lúc chưa tròn 1 tuổi. Nhà nghèo, bao vốn liếng mẹ tích cóp được trong 10 năm vất vả ở Sài Gòn đều dành chữa trị bệnh cho ba.

"Lúc trước còn sức khỏe, ba đi khoan giếng, cả nhà còn có đồng tiền xoay xở. Nhưng giờ ba không làm được việc nặng, nên mẹ phải  đi bán vé số ngoài Đà Nẵng gửi tiền về nuôi 4 chị em. Thỉnh thoảng, đứa em nhỏ lại khóc vì nhớ mẹ nhưng... đến mùa lúa chín mẹ mới về… Nói đến đây, giọng Thủy bỗng nghẹn lại.

thhhhh
Thiếu mẹ, gia đình Thủy cũng vắng đi tiếng cười.

 

Tạm biệt chị em Thủy, cùng lúc chúng tôi gặp ông Lâm Văn Thuẩn (xóm 4, thôn Thọ Nam) đưa con lên ngã ba Quốc lộ 1 đoạn chạy qua xã Tịnh Phong, ông dặn: “Năm nay gắng làm kiếm số vốn rồi dẫn vợ con về quê lập nghiệp. Ở nhà neo người quá. Anh em chúng mày ở trong đó hết, ba mẹ ốm đau thì làm sao”.

Người được ba dặn là anh Lâm Văn Diệu, học xong cấp 3 anh vào Bình Dương làm công nhân nhà máy thép cho đến bây giờ. Tết đến có năm anh Diệu về được, có năm lương thưởng không nhiều, đường sá xa xôi nên anh ở lại công ty trực Tết.

Ông Thuẩn có 3 người con, 2 con đầu lớn lên đều mưu sinh xa quê. Nay ở tuổi 70, ông mong ước các con không phải tha hương kiếm sống. “Làm sao chúng nó có công ăn việc làm gần bố mẹ, cuộc sống có cha có mẹ, con cháu sum vầy, vừa giúp đỡ được bố mẹ khi về già. Nhưng không biết điều ước đó bao giờ mới thành hiện thực”, ông Thuẩn giọng buồn buồn, nhìn xe chuyển bánh.

Bài, ảnh: P.TIÊN

 


.