Khó khăn trong thi hành án dân sự

06:04, 26/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thi hành án dân sự (THADS) là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Chính vì thế mà ngành THADS luôn đối mặt với nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ...
 
Vụ việc ít, tiền thi hành nhiều

 Theo thống kê của Cục THADS Quảng Ngãi, trong 6 tháng đầu năm 2018 (tính từ tháng 10.2017 - 3.2018), các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã thụ lý thi hành 5.751 việc, với số tiền phải thi hành gần 809 tỷ đồng. Trong đó, đã thi hành xong 1.814 việc trong 4.147 việc có điều kiện thi hành, đạt 44% và thu gần 74 tỷ đồng trong tổng số khoảng 558 tỷ đồng có điều kiện thi hành, đạt 13%.

 Cục THADS tỉnh họp thông tin tình hình THADS trên địa bàn tỉnh.
Cục THADS tỉnh họp thông tin tình hình THADS trên địa bàn tỉnh.


So với chỉ tiêu do Quốc hội giao tại Nghị quyết số 111/2015/QH13, Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực THADS năm 2018, thì ngành THADS của tỉnh đã thực hiện được 44%/72% về việc và 13%/32% về tiền. Trong khi đó, so với chỉ tiêu mà Tổng cục THADS giao cho cơ quan THADS tỉnh thì cũng đã thực hiện được 44%/73% về việc và 13%/32% về tiền. Như vậy, so với chỉ tiêu của Quốc hội, Bộ Tư pháp giao thì tỷ lệ thực hiện còn thiếu 28% về việc và 19% về tiền.

 Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Tấn Nộ cho biết: Các cơ quan THADS trong tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp theo đúng trình tự, thủ tục quy định để tổ chức thi hành, song kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 chưa cao, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Án liên quan đến tín dụng ngân hàng hiện nay rất khó giải quyết. Số việc trong lĩnh vực ngân hàng phải thi hành là 203 việc, chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng số việc mà ngành phải thực hiện, nhưng số tiền phải thi hành gần 417 tỷ đồng, chiếm trên 63% về tiền có điều kiện thi hành. Nhiều trường hợp khi thẩm định cho vay, ngân hàng định giá tài sản quá cao, đến giai đoạn thi hành án thì giá trị còn lại rất thấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết và kết quả thi hành án của ngành.
 

"Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng công tác THADS trên địa bàn tỉnh năm 2016 đã thi hành đạt 78% số việc, vượt 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao, với số tiền đã thi hành vượt 3%; năm 2017, số việc đã thi hành đạt 75%, vượt 5%, số tiền thi hành đạt 23%...".
 Cục trưởng Cục THADS PHAN TẤN NỘ

Đơn cử như vụ Công ty TNHH TM Hiệp Long (Bình Sơn) phải trả nợ vay gốc lãi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ủy quyền cho Chi nhánh Quảng Ngãi với số tiền gần 187 tỷ đồng. Sau kê biên, thẩm định giá các tài sản thế chấp chỉ còn hơn 61 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay đã hạ giá đến lần thứ 17 nhưng chỉ bán được một số tài sản, thu trên 23 tỷ đồng... Ngoài ra, nhiều vụ việc có điều kiện thi hành nhưng không thể tổ chức thi hành được, như vụ Công ty CP Huyền Trang, vụ Nguyễn Văn Hậu, vụ Công ty TNHH Kỹ thuật cơ điện lạnh thương mại Như Dũng...

 Bên cạnh đó, một số vụ việc Cục THADS tỉnh đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng Ban Chỉ đạo THADS tỉnh) có văn bản đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao sớm giải quyết và trả lời cho đương sự và đã báo cáo đề nghị cho Tổng Cục THADS xem xét, báo cáo Bộ Tư pháp có ý kiến với các cơ quan liên ngành Trung ương để đưa ra biện pháp giải quyết, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản trả lời, nên cơ quan thi hành án chưa thể tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc. Đó là trường hợp của ông Lâm Mỹ, bà Nguyễn Thị Bốn (3 việc).
 
Còn bất cập trong chính sách

 Theo quy định tại Thông tư 08/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp, nhiều vụ việc cơ quan thi hành án không thể tổ chức thi hành án được như: Hoãn, tạm đình chỉ, lý do khác, được thống kê là việc có điều kiện thi hành, nên tỷ lệ số việc có điều kiện thi hành trên tổng số phải thi hành cao, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải quyết trên số việc có điều kiện giải quyết của các cơ quan thi hành án. Mặt khác, nhiều việc chưa xử lý được tài sản của người phải thi hành án để thi hành nghĩa vụ theo bản án do tài sản đã chuyển nhượng. Chấp hành viên đã hướng dẫn đương sự khởi kiện, nhưng họ không thực hiện nên chấp hành viên yêu cầu tòa án hủy giao dịch đó, như vụ bà Nguyễn Thị Công phải trả nợ cho 205 người.

 Theo ông Phan Tấn Nộ, liên quan đến việc áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là, trong trường hợp các cơ quan THADS đang tổ chức thi hành một nghĩa vụ khác (không phải thi hành án cho ngân hàng) qua làm việc xác định tài sản của người thi hành án đang thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ vay và nghĩa vụ này là nợ xấu, thì cơ quan THADS chỉ được kê biên tài sản theo quy định tại Điều 90 Luật THADS. Do đó, khi vụ việc không thuộc trường hợp “thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe” và ngân hàng không đồng ý thì cơ quan THADS không thể kê biên để thi hành án.

Còn đối với trường hợp ngân hàng đồng ý việc thi hành án, xử lý tài sản thế chấp theo Điều 90 Luật THADS, thì tiền bán tài sản đảm bảo không được ưu tiên thanh toán các khoản như án phí, nghĩa vụ tài chính khác... Vì vậy, khi giải quyết các vụ việc loại này thường phát sinh khiếu nại của người phải thi hành án, người có tài sản bị xử lý, nghĩa vụ phải thi hành theo bản án chưa dứt điểm, nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác THADS.


 Bài, ảnh: NG.TRIỀU

 


.