Tư vấn pháp luật

03:03, 05/03/2018
.

Ông Nguyễn Nghĩa (Trà Bồng) hỏi: Tôi có mảnh đất muốn sang nhượng, nhưng có người nói nên đi công chứng, có người nói chỉ cần ra xã chứng thực. Vậy xin hỏi pháp luật quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai 2013, thì việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại UBND cấp xã, cụ thể: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ), QSDĐ và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ hợp đồng cho thuê, cho thuê lại QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.

Trường hợp tại địa phương ông chưa có tổ chức hành nghề công chứng, thì việc chuyển nhượng QSDĐ sẽ thực hiện tại UBND cấp xã nơi có đất.

Điều 36, Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch như sau:

- Người yêu cầu chứng thực nộp 1 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây: Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ; bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực (kèm theo bản chính để đối chiếu); bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó (kèm theo bản chính để đối chiếu).

- Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.

- Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.

+ Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 2 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.

Luật gia LAN ANH
 


.