Tình người trong "căn nhà vé số"

09:03, 18/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau một ngày đi bộ khắp các tuyến đường để mưu sinh, những người bán vé số dạo quê ở Quảng Ngãi lại trở về căn nhà 67, đường Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà (TP.Đà Nẵng). Căn nhà này từ lâu đã trở thành nơi ăn, ở miễn phí cho những người bán vé số nghèo.

Như người thân một nhà

Cứ mỗi xế chiều, căn nhà 67 Lê Hữu Trác bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Bởi, đó là giờ những người bán vé số dạo trở về "ngôi nhà chung", ăn cơm rồi tiếp tục cuộc mưu sinh cho đến đêm khuya.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân (60 tuổi), quê ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đang rửa những củ khoai lang đem từ quê ra để nấu ăn với cơm. Thấy có khách cùng quê đến thăm, bà Vân nở nụ cười tươi mời chúng tôi ở lại ăn cơm tối. Bữa cơm của những người bán vé số dạo rất đạm bạc, họ ăn cho qua bữa. Nhưng cái chính là tình cảm thân thương mà những người mưu sinh nơi xứ người dành cho nhau tựa như người thân trong gia đình. Vừa ăn, bà Vân vừa nhắc bà Nguyễn Thị Thúy (49 tuổi) quê ở xã Bình Tân (Bình Sơn) cố gắng ăn nhiều để có sức đi bán vé số buổi tối.

Dù cuộc sống vất vả, nhưng bà Hoa, bà Luận và những người bán vé số sống ở căn nhà 67 Lê Hữu Trác (TP.Đà Nẵng) vẫn sẻ chia chuyện vui, những món quà quê đem ra từ Quảng Ngãi với nhau.
Dù cuộc sống vất vả, nhưng bà Hoa, bà Luận và những người bán vé số sống ở căn nhà 67 Lê Hữu Trác (TP.Đà Nẵng) vẫn sẻ chia chuyện vui, những món quà quê đem ra từ Quảng Ngãi với nhau.


Ở đối diện phòng bà Vân, bà Thúy là phòng bà Đặng Thị Hoa (50 tuổi) quê ở xã Bình Tân (Bình Sơn). Hôm chúng tôi đến, bà Hoa đi làm về sớm tranh thủ nấu cơm, giặt quần áo cho cả phòng. Bà Hoa tâm sự: "Trong phòng ai về sớm thì lo cơm nước. Mỗi bữa, một người góp 10 nghìn đồng để mua chút thức ăn. Mọi người đều cùng quê hương, nên rất gần gũi, luôn động viên, giúp đỡ lẫn nhau".

Mỗi ngày, những người bán vé số dạo thường đi bộ hàng chục cây số bất kể tiết trời mưa, nắng thất thường. Khi trở về nhà, đôi chân họ rã rời, nhức mỏi. Có khi bị cảm, hay cơn sốt ập đến bất ngờ, họ lại san sẻ cho nhau bằng cách nấu nồi cháo, mua cho nhau liều thuốc.

Bà Hoa cho biết, khoảng 4 giờ sáng họ đã bắt đầu một ngày mưu sinh. Ngày nào may mắn thì bán được hơn trăm tờ vé số, có hôm chỉ bán được vài chục tờ. Mỗi tờ vé số lời chỉ  1 nghìn đồng.

Ông chủ nhà tốt bụng

Căn nhà chung này có 6 phòng, mỗi phòng ở 5 người đều đến từ Quảng Ngãi. Trong đó, có vợ chồng bà Đỗ Thị Nhật và ông Nguyễn Thanh Bình, ngoài 70 tuổi, quê xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh). Vợ chồng bà Nhật ra Đà Nẵng bán vé số từ tháng 6.2017. Nói đến cuộc sống mưu sinh, vợ chồng bà Nhật tấm tắc ngợi khen ông chủ nhà tốt bụng Nguyễn Quang Sơn (56 tuổi). "Tháng 10.2017, tôi bị trợt té trong phòng tắm, ông Sơn hay tin liền đưa tôi đi bệnh viện. Không những vậy, chi phí điều trị ông Sơn đều trả hết. Ông Sơn rất tốt bụng", bà Nhật xúc động chia sẻ.

Không chỉ riêng vợ chồng bà Nhật, những người quê ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng bán vé số sống trong căn nhà số 67 đều dành tình cảm trân quý đối với vợ chồng ông Sơn. Ấy vậy mà, ông Sơn luôn khiêm tốn và không muốn nhắc về bản thân. Ông Sơn bảo: "Có chi mô mà ca tụng, việc tôi làm vốn dĩ rất bình thường, đó là tình người với nhau".

Bà Đặng Thị Hoa chỉ vào cái giường, nồi cơm điện, chén dĩa, bếp gas, cả cái máy quạt, rồi nói: "Ông Sơn mua hết đó. Ai mới ra đây cũng được ông sắm đầy đủ những thứ này. Tôi làm nghề bán vé số 15 năm nay, trong đó ra Đà Nẵng bán cũng được chục năm và may mắn được gặp chủ nhà tốt bụng. Chúng tôi chỉ việc đến ở không phải lo tốn tiền thuê phòng. Tết về, vợ chồng ông Sơn lại tặng mỗi người 200 - 300 nghìn tiền về xe. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng tình người trong căn nhà này cứ luôn đong đầy như vậy".
 

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 


.