Giữ tiếng kẻng làng

04:01, 02/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Keng, keng, keng... keng, keng, keng...”, âm thanh liên hồi, hai hồi dài và ba tiếng kẻng quen thuộc đó phát ra báo hiệu sắp có buổi họp dân. Mấy chục năm qua, tiếng kẻng văng vẳng ấy vẫn vang lên giữa khung cảnh yên bình của không ít xóm, thôn ở vùng cao.

Từ việc nhà đến việc nước

Đã từ rất lâu, chiếc kẻng làm bằng vỏ quả bom mà giặc Mỹ thả xuống làng vẫn treo trên cành cây thầu đâu cổ thụ trước sân trường học ở xóm Gò Nay, thôn Gò Tranh, xã Long Sơn (Minh Long). Tiếng kẻng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân thôn Gò Tranh, tựa như lời nhắc nhở cho các thế hệ con em đồng bào về sự tàn khốc của chiến tranh, là biểu trưng sinh động cho chiến thắng của quân và dân ta trước kẻ thù. Vì thế, dù làng xưa giờ đã thay da đổi thịt, con đường bê tông về tận chân làng... nhưng chiếc kẻng làng vẫn được người dân gìn giữ.

Trưởng thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba (Sơn Hà) đánh kẻng thông báo họp dân. Ảnh: C.PHONG
Trưởng thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba (Sơn Hà) đánh kẻng thông báo họp dân. Ảnh: C.PHONG


Già Đinh Văn Hai chậm rãi nói, tiếng kẻng kêu vang lạ thường. Thế hệ của già quen tai với tiếng kẻng đến mức, nó đi vào tiềm thức. Dù làm gì, ở đâu, trên nương, trên rẫy, người dân đều nghe tiếng kẻng. Lâu dần thành lệ, từ nhỏ đến lớn thuộc làu làu những âm thanh của tiếng kẻng để thông báo có việc gì, từ việc nhà đến việc nước.

Trưởng thôn Đinh Văn Rơn, người được giao nhiệm vụ đánh kẻng, chia sẻ: Tiếng kẻng đã trở thành quy ước, thói quen ăn sâu vào nếp sống của người dân thôn Gò Tranh. Tuỳ vào mỗi công việc cần thông báo cho cả làng, từ việc nhà đến việc nước mà cách đánh khác nhau. Kẻng vang lên hai hồi dài và ba tiếng là thông báo họp dân, 30 phút sau mỗi nhà một người tham gia công việc chung của làng. Kẻng ngân lên hồi dài, khẩn cấp là có hỏa hoạn, trộm cắp; vang lên từng hồi chậm rãi là báo hiệu có người qua đời như để chia buồn...

Tiếng kẻng gắn kết dân làng

Thời chiến, làng nào cũng có chiếc kẻng làm từ vỏ bom. Tiếng kẻng báo hiệu cho dân mỗi khi có máy bay địch sắp đến. Còn các hợp tác xã dùng tiếng kẻng để báo hiệu xã viên đi làm. Giờ đây, cuộc sống đã đổi thay, loa truyền thanh, sóng điện thoại phủ sóng khắp nơi nơi, tiếng kẻng chỉ còn trong hoài niệm của những cụ già. Dẫu vậy, ở những bản làng vùng cao, mấy chục năm đằng đẵng, chiếc kẻng từ vỏ của quả bom dẫu hoen gỉ vẫn được giữ nguyên vẹn.

Cũng như người dân thôn Gò Tranh, đường về các xóm, thôn ở xã Sơn Ba, huyện vùng cao Sơn Hà nay đã đổi thay, nhà mái ngói mọc lên san sát, đường làng được bê tông khang trang... nhưng mảnh đất này vẫn còn giữ tiếng kẻng làng thân thương.

Trưởng thôn Làng Ranh, xã Sơn Ba, huyện vùng cao Sơn Hà Đinh Xuân Hành bảo rằng, Làng Ranh đã được trang bị loa phóng thanh, nhưng bà con vẫn muốn lưu giữ tiếng kẻng làng. Bởi tiếng kẻng đã ăn sâu vào trong tiềm thức cũng như đời sống của người dân nơi đây. Hơn nữa chiếc kẻng còn mang lại nhiều ý nghĩa, là một vật chứng của lịch sử, là âm thanh gọi dân làng đoàn kết.

ÁI KIỀU
 


.