Vì người quên mình

09:12, 03/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trận lũ lụt đầu tháng 11 vừa qua, khu dân cư (KDC) số 4, thôn Giao Thủy, xã Bình Thới (Bình Sơn) nước dâng lên đến gần nóc nhà, hơn 12 hộ phải sơ tán, trong đó có gia đình Trưởng KDC Mai Văn Khoa (41 tuổi). Dẫu vậy, anh Khoa vẫn chèo ghe đưa dân sơ tán, bỏ mặc tài sản của gia đình chìm trong lũ.

TIN LIÊN QUAN

"Còn người là còn  tất cả"

Dù buồn, nhưng anh Khoa vẫn chia sẻ với chúng tôi như vậy khi nói về việc anh tham gia cứu người mà không di dời tài sản của gia đình. Anh Khoa nhớ lại: “Chiều tối 4.11, nước tràn, ngập cầu, nhiều phương tiện xe máy bị chết máy nên tôi phải túc trực ở hai bên cầu để giúp đỡ bà con. Lúc bấy giờ, tôi cùng đội xung kích đã trực tiếp cứu, đưa 6 người đến nơi an toàn.

Đến chiều 5.11, nước lũ lên cao bằng đỉnh lũ lịch sử năm 2009, khu vực thuộc cánh đồng cầu Bi nơi có gia đình anh và hơn 12 hộ gia đình sinh sống nước lên đến gần nóc nhà. Trong lúc hiểm nguy như thế, nhưng một mình anh chèo ghe đưa các hộ ở vùng trũng đến nơi an toàn. Khi lũ rút, với trách nhiệm là trưởng KDC, anh lại tiếp tục chèo ghe đi cấp phát gạo, mì tôm, nước uống cho bà con.

Tài sản trị giá hơn 100 triệu đồng của gia đình anh Khoa giờ đã hư hỏng.
Tài sản trị giá hơn 100 triệu đồng của gia đình anh Khoa giờ đã hư hỏng.


Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thới Nguyễn Thị Reo cho hay: "Nhà anh Khoa có ghe và anh chèo rất giỏi, nên tích cực đi giúp đỡ người dân trong lũ. Dù gia đình Khoa cũng nằm trong vùng trũng thấp, nhưng vì lo cứu người, giúp đỡ các hộ dân khác mà Khoa quên mất việc gia đình mình. Tôi phải trực tiếp gọi cho vợ Khoa và nhờ những người khác đưa vợ con cậu ấy đến nơi an toàn”.
 

“Anh Khoa làm Trưởng KDC số 4, thôn Giao Thủy đã được 4 năm, mọi công tác, phong trào anh đều tham gia nhiệt tình. Hai vợ chồng anh rất chăm chỉ làm ăn, khởi nghiệp với xưởng may này, nhưng  nay trở về bàn tay trắng. Điều mà người dân địa phương quý trọng ở anh là, trong trận lũ vừa qua, anh đã bỏ mặc tài sản của gia đình để giúp nhiều người dân thoát nạn trong lũ. Anh cũng nhường lại quà cứu trợ cho những hộ nghèo, khó khăn hơn. Sắp đến, địa phương sẽ kiến nghị cấp trên hỗ trợ gia đình anh Khoa để sớm khôi phục lại sản xuất”.
Chủ tịch UBND xã Bình Thới NGUYỄN VĂN NGỌC.

Làm lại từ đầu thôi

Anh Khoa lập gia đình từ năm 2000, hơn 1 năm sau, vợ chồng anh vào Sài Gòn mưu sinh và học nghề may. Năm 2013, sau khi tích lũy vốn, vợ chồng anh quyết định về quê gây dựng sự nghiệp. Thành thạo nghề may và có một số mối quen, vợ chồng anh vay vốn mở xưởng may gia công. Từ 5 máy may ban đầu, vừa làm vừa mở rộng xưởng và vay vốn ngân hàng, đến đầu năm 2017, vợ chồng anh đã đầu tư tổng cộng 14 máy và tạo việc làm cho gần 20 phụ nữ địa phương.

Lúc về quê, với vài chục triệu đồng tích cóp được, anh chị dành hết để mua máy, mở xưởng. Hiện ngôi nhà anh chị đang sống, xưởng may cũng là nhà của ba mẹ. Ngôi nhà nằm sát cánh đồng cầu Bi, trũng thấp nên vừa qua, nước lũ dâng ngập gần 2m, 14 chiếc máy hơn 120 triệu đồng chìm trong nước.

Chị Tùy- vợ anh Khoa xót xa: “Từ hai bàn tay trắng để lập nghiệp, khó khăn lắm mới có được xưởng may nho nhỏ này. Để mở rộng sản xuất, vợ chồng tôi phải vay hơn 150 triệu để mua đầy đủ các loại máy, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Làm ăn chưa trả ngân hàng được thì nay máy hư hỏng không sửa được, và 2.000 cái áo cũng chìm trong nước hư hết”.

Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.