Tiếc nuối rạp Hòa Bình

04:12, 05/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rạp chiếu phim Hòa Bình trên đường Duy Tân (TP.Quảng Ngãi) từng là điểm đến của nhiều người. Những năm gần đây, rạp chiếu phim Hòa Bình xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người dân, nên đã phải ngừng hoạt động.

Một thời tấp nập

Rạp Hòa Bình được xây dựng từ những năm 1950. Sau ngày giải phóng năm 1975 thì chuyển sang Nhà nước quản lý. Thời gian đó, rạp hoạt động hết công suất. Để xem được một bộ phim chiếu ở rạp, nhiều người đã lên kế hoạch trước cả tháng. Họ không ngần ngại đi bộ hàng chục cây số để đến rạp xem phim.

Ông Đỗ Minh Thu (57 tuổi) ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cho biết, ngày đó muốn xem được một bộ phim ở rạp, ông cùng vài người bạn phải cuốc đất thuê nhiều ngày liền để có tiền mua vé. "Đó là những năm 1980, cả tháng tôi cùng với mấy người bạn mới có dịp cùng nhau đi xem phim một lần. Rạp chiếu nhiều bộ phim rất hay như: Cô gái trên sông, Biệt động Sài Gòn... Cảm giác ngồi trên chiếc ghế nhỏ nhìn thấy được đất nước rộng lớn, giúp cho lớp trẻ ngày đó thêm yêu đất nước", ông Thu nhớ lại.

Rạp chiếu phim Hòa Bình không bắt kịp thời đại nên ngừng hoạt động.
Rạp chiếu phim Hòa Bình không bắt kịp thời đại nên ngừng hoạt động.


Không những chiếu các bộ phim trong nước, rạp Hòa Bình còn chiếu các bộ phim nước ngoài như: Nàng tiên cá, Titanic, Ba chàng lính ngự lâm... thu hút rất nhiều người xem. Giai đoạn đó, chưa có sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, rất ít phương tiện giải trí nên rất nhiều người xem rạp chiếu phim Hòa Bình là địa điểm giải trí lý tưởng.

Năm 1993, rạp chiếu phim Hòa Bình được nâng cấp, sửa chữa với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ghế sắt thay bằng ghế đệm, máy chiếu phim cũng đổi mới để kịp đáp ứng nhu cầu xem phim lúc bấy giờ. Mỗi ngày rạp chiếu phim Hòa Bình chiếu khoảng 3 - 4 suất phim, với 350 ghế phục vụ người xem. Nhộn nhịp nhất là vào các dịp lễ, Tết, lượng khách đến rạp xem phim rất đông.

Xa dần vì lỗi thời

Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thị trường phim ảnh phát triển, nhu cầu của người xem ngày càng cao, trong khi đó rạp chiếu phim Hòa Bình không đáp ứng kịp, nên dần thưa khách. Không có pa-nô, bảng hiệu giới thiệu phim đầy màu sắc treo phía trước để giới thiệu, quảng bá các bộ phim hay như các rạp chiếu phim hiện đại, rạp Hòa Bình chỉ treo duy nhất một tấm bảng đen để viết tên những bộ phim với cái tên lạ lẫm, không thu hút được người xem. Bên cạnh đó, phòng chiếu phim ẩm mốc, không gian ngột ngạt, ánh sáng không tốt, máy chiếu lỗi thời, hình ảnh không sắc nét, sống động... khiến rạp chiếu phim Hòa Bình trở nên đìu hiu.

Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Huỳnh Đức Tùng, tiếc nuối: "Năm 2015, tỉnh cũng đã có phương án nhằm cứu vãn rạp chiếu phim Hòa Bình, trong đó có phương án xã hội hóa. Nhưng cuối cùng vẫn không có được sự thống nhất chung, nên năm 2017 tỉnh quyết định đóng cửa rạp chiếu phim Hòa Bình. Giờ đây, rạp chiếu phim Hòa Bình chỉ còn là hoài niệm. Tiếc là tỉnh Quảng Ngãi đến giờ vẫn chưa có được rạp chiếu phim hiện đại để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân".


Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.