Quản lý khoáng sản: Cần gỡ vướng từ luật

12:12, 13/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn trong các luật quy định về khoáng sản đã khiến chính quyền cơ sở gặp khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện các quy định. Công tác quản lý hoạt động khoáng sản cũng vì vậy mà có nhiều lỗ hổng...

TIN LIÊN QUAN

Còn mang tính nguyên tắc chung

Hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) là một trong những loại hình gây ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng dân cư - nơi khai thác khoáng sản, nên Luật Khoáng sản 2010 đã có những quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác phải đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân.

Nhiều vướng mắc, chồng chéo trong luật khiến công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản gặp khó.
Nhiều vướng mắc, chồng chéo trong luật khiến công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản gặp khó.


Thế nhưng, quy định trên khá chung chung là tổ chức, cá nhân KTKS phải “Hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong KTKS và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định của pháp luật”, chứ không quy định rõ mức hỗ trợ là bao nhiêu, cũng như không có chế tài bắt buộc thực hiện. Điều này đã dẫn đến mâu thuẫn, vì đơn vị khai thác chưa thật sự quan tâm đến đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng nơi KTKS.

Ngoài ra, Luật Khoáng sản quy định, tổ chức, cá nhân thăm dò, KTKS phải có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn luật lại không có bất cứ hướng dẫn nào về nguyên tắc, hình thức xác nhận vốn chủ sở hữu như thế nào, cơ quan nào xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Không chỉ Luật Khoáng sản, mà tại Nghị định 142 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, dù có quy định rõ ràng hành vi KTKS vượt ngoài phạm vi 10% tổng diện tích hoặc tổng độ cao của khu vực được phép khai thác là sai phạm, nhưng lại không quy định hình thức xử phạt...

“Những quy định còn mang tính chung chung nói trên khiến chúng tôi gặp khó trong thực hiện. Nhất là trong xử lý, giải quyết những kiến nghị của người dân liên quan đến việc các tổ chức, cá nhân KTKS gây xuống cấp, hư hỏng đường giao thông, nhưng lại không duy tu, bảo dưỡng”, Giám đốc Sở TN&MT Đỗ Minh Hải cho biết.

Chồng chéo, chưa phù hợp thực tế

Không chỉ mang tính chung chung, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về khoáng sản còn chồng chéo với các luật khác và không sát với tình hình thực tế, khiến việc triển khai luật, quản lý khoáng sản gặp vướng mắc.

Cụ thể là, Nghị định 203 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền KTKS giao Sở TN&MT chủ trì xây dựng giá tính thuế tài nguyên là chồng chéo với chức năng của Sở TN&MT do Bộ Tài chính quy định.

Luật Khoáng sản 2010 quy định tổ chức, cá nhân KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép KTKS nếu khai thác trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư, mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho công trình đó.

Nhưng quy định trên, theo lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng không phù hợp với thực tế, vì hầu hết sản phẩm khai thác từ dự án đầu tư lại không sử dụng cho chính công trình, dự án đó. Hoặc Nghị định 142 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định mức tiền phạt căn cứ vào khối lượng khoáng sản khai thác không có giấy phép trên ngày là chưa phù hợp và chưa sát thực tế. Vì việc phạt quy đồng tổ chức, cá nhân khai thác không phép nhiều tháng, nhiều năm và tổ chức, cá nhân mới khai thác một vài  ngày là bất hợp lý.

Từ những vướng mắc, bất cập ngay trong văn bản quy phạm pháp luật như trên, công tác quản lý khoáng sản ở cơ sở, vốn đã phức tạp, lại càng thêm rối rắm, khó đi vào quy củ. Vậy nên, việc xem xét, sửa đổi văn bản luật cho phù hợp với thực tế là việc cần thiết, để các địa phương có căn cứ pháp lý quản lý khoáng sản đồng bộ, chặt chẽ hơn.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.