Người Việt mưu sinh trên đất Lào

05:12, 17/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chuyến thăm đất nước Lào xinh đẹp, hiền hòa mới đây tôi đã có dịp gặp, trò chuyện với những người Việt Nam trên đất bạn Lào. Trải nghiệm một phần trong cuộc mưu sinh của họ, tôi được thấy vẹn nguyên bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người dân quê mình...

TIN LIÊN QUAN

Cơm Việt Nam ở Viêng Chăn

Từ thủ đô Hà Nội, ngồi máy bay gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào khoảng 12 giờ. Xe của Nhà xuất bản và Phát hành sách Quốc gia Lào đón và đưa chúng tôi thẳng đến quán cơm Việt Nam. Ngài ViVanh – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản nói với cả đoàn bằng tiếng Việt Nam khá chuẩn, rằng: “Trưa rồi, mọi người đói bụng, vậy thì chỉ có quán cơm Hà Nội của Việt Nam là phục vụ nhanh thôi”. Quả như lời ngài ViVanh nói, quán sạch sẽ, toàn món dưa, cà, mắm tôm, trứng kho thịt, rau muống xào, cá rán... Không gian quán khiến chúng tôi cảm nhận như mình đang dùng cơm trưa trên đất thủ đô Hà Nội vậy.

Anh Bính (người Quảng Bình) bán kem trước chùa Thạt Luổng (Viêng Chăn - Lào)
Anh Bính (người Quảng Bình) bán kem trước chùa Thạt Luổng (Viêng Chăn - Lào)


Chúng tôi được các bạn ở Lào “mách”: “Đến Lào, chỉ có ăn quán cơm Việt Nam là rẻ”. Vì thế, ngoại trừ những bữa cơm chiêu đãi của ngài Munkeo - Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thể thao - Văn hóa - Du lịch, Tổng biên tập báo Paxaxon Quốc gia Lào và các cán bộ Nhà xuất bản-phát hành sách quốc gia Lào, đoàn chúng tôi đều đến nhà hàng “Hoàng Kim” của đôi vợ chồng trẻ người Việt sang Lào mở quán.

Hai vợ chồng lấy tên thật của mình làm tên quán và buôn bán với phương châm “tận tâm, tận lực”. Quán Hoàng Kim đã làm nên thương hiệu, dù vị trí không đắc địa nhưng lúc nào cũng đông khách. Tiền cơm, khách có thể thanh toán bằng tiền Lào hay tiền Việt tùy vào khách và giá quy đổi luôn có lợi nhất cho khách.

Quán Hoàng Kim đông nhất là vào buổi trưa. Mỗi suất ăn tự chọn có giá 25.000 kíp, tương đương 70.000 đồng Việt Nam. Bà chủ Kim bảo rằng: “Quý khách có thể thưởng thức thỏa thích, nhưng đừng để thừa thức ăn”. Buổi tối, quán Hoàng Kim phục vụ suất ăn cao cấp hơn, khoảng 70.000 kíp/suất, có miễn phí 1 ly nhỏ rượu đắng của Lào nếu quý khách có nhu cầu. Tất cả các nhân viên phục vụ là người Lào nhưng nói tiếng Việt rất sõi.

“Cà rem, dừa ngọt đây!”

Ở đất nước Triệu Voi, đạo Phật được coi là Quốc đạo, người dân luôn coi trọng việc xây dựng và chăm sóc chùa chiền. Chùa Thạt Luổng biểu trưng của nét văn hóa Lào với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, thu hút rất đông khách du lịch. Vì thế, nơi đây cũng là điểm mua bán các đồ ăn vặt phục vụ du khách, đặc biệt là các món bánh, kem, trái cây. Không chỉ người Lào, mà ở đây có rất nhiều người Việt Nam đến chọn nghề buôn bán nhỏ này để mưu sinh...

Chúng tôi đến thăm Thạt Luổng đúng vào đầu mùa khô ở Lào. Trong tiết trời hanh hao, gió khô khốc, món kem luôn hấp dẫn du khách sau chặng đường dài về thăm ngôi chùa nổi tiếng này. Trong vô số những xe kem đẩy, tôi chú ý đến người đàn ông trung niên vóc người nhỏ nhắn, da đen với giọng rao khá truyền cảm. Đoán chúng tôi là “đồng hương”, anh cất giọng mời “Cà rem đây!”. Ở đất khách gặp được người đồng hương tôi thấy gần gũi và thân thương đến lạ. Chưa kịp hỏi giá, nhiều người đã có que kem trên tay. Anh giới thiệu tên Bính, quê ở Nhật Lệ (Quảng Bình), sang đây bán kem đã nhiều năm. “Mình sang Viêng Chăn bán kem hồi đầu tháng 11. Ở đây bán kem đến hết mùa khô, tức là tháng 4.2018 mình lại về quê làm ruộng. Cho đến tháng 11 lại sang đây.

Anh Bính thuê nhà trọ cách Thạt Luổng khoảng 2km. Anh Bính chia sẻ: Mỗi cây kem giá 5.000 kíp, tương đương khoảng 12.000 đồng. Ngày bán được nhiều, có thể là vài trăm cây, thu nhập khoảng 300.000 – 500.000 đồng. Ngày ế ẩm, cũng kiếm được trăm ngàn lo ăn uống, trả tiền thuê nhà. Nói chung, bên mình mưa bão, sang đây bán kem cũng như đi trốn mưa bão vậy. Siêng năng thì có dư, nuôi con ăn học.

Chị Thùy – vợ anh Bính và các chị cùng xóm ở Nhật Lệ thì sang đây bán dừa. Dừa ở Lào nổi tiếng là ngọt, thơm; quả nhỏ, cùi dày. Khi dừa hái xuống sẽ được gọt lớp vỏ cứng, rồi nướng sơ qua lửa để tăng độ thơm ngon. Chẳng biết có phải vì “cái tình" đồng hương hay không mà trái dừa tôi mua giúp chị Thùy uống vào ngọt lịm, mát và thơm đến lạ. Tính ra 10.000 kip/quả, tương đương 28.000 đồng. Chị Thùy bảo: “Ngày cũng bán được chừng 50 quả. Mỗi quả mình lời 5.000 đồng, tằn tiện cũng có dư dả hơn làm ruộng”.

Người Việt mưu sinh trên đất Lào còn làm đủ mọi nghề, nhiều nhất là mở quán ăn, bán hàng rong và xây dựng. Họ sống thành cộng đồng, hài hòa với người dân bản địa. Và dù làm nghề gì thì bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, chắt chiu dành dụm cũng luôn theo họ suốt những tháng ngày dài...

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 


.