Chuyện hai lão nông cứu người trong lũ

06:11, 20/11/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Không áo phao, không có phao cứu hộ, biết là nguy hiểm nhưng hai lão nông đã ngoài 60 tuổi ở thôn Tân Phước, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn vẫn lao thuyền ra giữa dòng nước xiết để cứu hàng chục mạng người và tài sản cho người dân.
 
"Thấy nạn mà sao đành không cứu"
 
Nghe ông Phạm Quang Đức-  Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, huyện Bình Sơn giới thiệu, tôi cứ ngỡ ông Lê Xuân Sanh (61 tuổi) ở thôn Tân Phước, xã Bình Minh "hoành tráng" lắm. Đến khi theo chân ông Đức đến tận nhà và ngắm "dung nhan" ông Sanh thì thật không hiểu: người có ngần này mà đi cứu người, kéo bò cho bà con trong lũ. 
 
"Tôi cao hơn 1,50 còn nặng chỉ… 41kg chứ mấy. Còn cứu người trong lũ thì chủ yếu là mình lỳ lỳ tí. Với lại, ai thấy nạn mà sao đành không cứu". Mở đầu câu chuyện, lão nông nhỏ con này đã tâm tư, giọng Quảng chất quê đặc sệt, thiệt hơn bùn đất xứ này.
 
Làm nghề sông, ghe nhôm của ông Sanh chở tối đa được 10 người, với điều kiện nước yên, không xiết. Trưa mùng 5.11, nước từ sông quê Trà Bồng vốn xanh biên biếc, "nước gương trong soi bóng những hàng tre", giờ đục ngầu chảy xốc ròng ròng ầm ầm qua đường. 
 
"Ông Sanh ơi, xuống cứu người ở xóm Nhất Đông. Nhà xóm này chìm hết rồi, trâu bò trôi, bà con kẹt hết trong nước rồi, không ra được". Đang dọn lụt, ông Sanh nghe hàng loạt cuộc gọi đến cầu cứu. Vội bỏ nắm đồ cầm trong tay, ông Sanh kéo con trai Lê Trung (20 tuổi) và ông Đỗ Tài Chung (52 tuổi) nhảy lên ghe nổ máy và lao thẳng xuống dòng lũ, nhắm xóm trũng Nhất Đông thẳng tiến.
 
Ông Lê Xuân Sanh kể chuyện cứu người trong lũ
Ông Lê Xuân Sanh kể chuyện cứu người trong lũ
 
Thấy con bò đang trôi, ông Sanh tính dừng lại lôi vào bờ, nhưng nghe phía bên dưới có tiếng kêu khản giọng nên trực chỉ đi vào. Trước mũi thuyền, ông Sanh xót xa khi thấy ông Trần Tấn (69 tuổi), bị lũ cuốn trôi, may mắn thay là nắm được chái nhà một người hàng xóm trụ lại. Thương nữa là, một tay ông Tấn còn tiếc của, tay còn lại dắt dây con bò mộng chừng 30 triệu đồng.
 
"Con bò là tài sản to nhất của nhà nông quê tui. Ông Tấn cũng vậy. Tui biểu ổng thả dây con bò ra ghe mới vào cứu được. Đến khi cứu ông Tấn rồi, thằng Trung còn lôi được cả con bò bơi theo ghe. Vậy là cả người và bò đều được sống", ông Sanh kể.
 
Đang trên ghe, ông Tấn quay sang năn nỉ ông Sanh cứu dùm đứa con dâu tên Nga (40 tuổi) đang kiệt sức do bám vào máng nhà dầm mình trong lũ quá lâu. Quay mũi thuyền, ông hứng được cô con dâu này đang lạnh run cầm cầm, ướt cóng do trời hôm ấy mưa không dứt.
 
Dọc ngang mấy bận băng ghe qua lũ, ông Sanh lại nghe gia đình ông Phạm Hùng bị mắc kẹt trong nhà, nước lũ thì ngập trên máng nhà, lên tới rầm gỗ. Trong khi đó, gia đình ông Hùng ở bên trong không có cách gì dỡ ngói chui ra. Khi đưa ghe đến nhà này, ông Sanh giao cho con trai giữ ghe, còn mình dò bước trên mái nhà, dỡ 6 viên ngói rồi lần lượt đưa người ra ngoài. Khi đưa gia đình ông Hùng ra khỏi mấy trăm mét, nhìn lại đã thấy nhà ông Hùng chìm khuất dần trong dòng lũ. 
 
Hỏi cả chiều đó rước được bao nhiêu người, ông Sanh gãi đầu: "không nhớ, chỉ nhớ đâu hơn 10 người bị kẹt do nhà chìm trong nước, bò cũng đâu mười mấy con nữa. Hồi đó thì lo đưa ghe cứu bà con, có ai mà đếm". Ông Sanh hồn nhiên kể, hôm qua con Nga (dâu ông Tấn) tìm đến nhà chơi. "Nó nói biếu chú Sanh 500.000 đồng mua sữa xem như cảm ơn cứu mạng. Tui rầy nó một trận, bắt cầm tiền về. Ai lại cứu người mà lấy tiền, thấy nạn thì cứu thôi chớ", ông Sanh nói, cười hiền lành, ấm lòng cả người trò chuyện.
 
"Có chết, tao chịu cho!"
 
Sớm hơn ông Sanh, lão nông Lê Ngọ (63 tuổi) ở khu tái định cư xóm Nhất Đông, thôn Tân Phước, xã Bình Minh, 9 giờ sáng đã có người đến nhà kêu cứu. "Đứa thì khóc, đứa thì la, đứa năn nỉ tui đi cứu dùm gia đình họ ở chỗ trũng xóm Nhất Đông. Tui quýnh quá, không biết cứu ai trước, ai sau. Bà con mình, ai cũng muốn cứu nhà mình trước, nhưng tui trấn an: tụi bây yên tâm, tao cứu hết. Đứa nào chết, tao chịu cho". Ông Ngọ vuốt chòm râu bạc nhớ lại. 
 
Sau mấy phút bình tâm, ông Ngọ phân loại: nhà đứa nào cao thì cứu sau, ưu tiên cứu nhà trũng trước. Ngoái đầu kêu vào nhà gọi thằng con rể: "Phú ơi (Trương Phú, 42 tuổi), đi với ba". Thế là hai cha con lên ghe bơi đi.
 
Ngồi đi một đoạn, ông Ngọ thấy mình hơi liều, đi vào vùng nguy hiểm mà trên thuyền không có áo phao  và phao cứu sinh. "Lỡ đưa bà con đi, rủi ro lật ghe chết, mình cũng phải đi tù chứ chẳng chơi. Mà thôi kệ, cứu người đã rồi tính". Lo lo trong lòng, nhưng ông Ngọ chật lưỡi một cái quyết liền. Cứu người lúc ấy là nỗi lo nhất, vượt cao hơn nguy hiểm đang rình rập.
 
"Nước năm nay chảy xiết hơn cả bão tháng 9.2009. Có đoạn cả trăm mét dài nước xiết quay ghe vòng vòng chứ chẳng chơi. Chưa bao giờ nước chảy kiểu này trong mùa lụt", ông Ngọ nói. 
 
Nơi vào cứu khó nhất là nhà bà cháu bà Chín Ngang (tên thật là Trần Thị Toại, hơn 80 tuổi). Ngôi nhà kín như lồng cu. Cửa trước, cửa sau đều bị lũ tràn đến tận máng nhà. Không biết cách gì vào nhà, mà lúc đi có cầm búa gì đâu để đập thủng một lỗ đưa người ra. Đang băn khoăn và nóng lòng, ông Ngọ cho chạy ghe một vòng quanh mái nhà, sau phát hiện có một lỗ chui lọt một người. 
 
Ông Ngọ gọi với vào trong, bảo thằng cháu 16 tuổi tìm miếng ván cho bà nội ngồi trên rồi đẩy trên nước đưa ra cái lỗ nọ, còn ông Ngọ thì đưa mũi ghe vào cái lỗ này, dìu bà Chín Ngang qua ghe. Sau đó đến đứa cháu. Hai bà cháu được cứu sống, khóc như mưa. "Hồi sáng tui ăn sáng, bả dành trả tiền rồi bỏ đi mất. Tui biết bả cảm ơn, nhưng trước sau tui đi cá sông cũng mang đến biếu lại thôi".
 
Đường giao thông xã Bình Minh sạt lở nặng
Đường giao thông xã Bình Minh sạt lở nặng sau lũ
 
Hay như nhà anh Đỗ Hảo (45 tuổi). Nước lũ lên, anh Hảo cho vợ con di chuyển, còn mình ở lại trông nhà, sợ 3 con bò trị giá trên 50 triệu đồng bị nước cuốn trôi. Chủ quan nên khi nước lớn, anh Hảo muốn thoát thân cũng không được. Khi ông hai cha con ông Ngọ đưa ghe đến, anh Hảo đành dứt dây cho 3 con bò tự thoát thân, còn mình gạt nước mắt tiếc của leo lên ghe ngồi. Thôi thì "một đời ta bằng ba đời nó", anh Hảo tự nhủ lòng, bởi lúc này biết là mình thoát lũ, mình sống được. 
 
Thấy cảnh anh Hảo, anh Trương Phú bảo với ba: "hay mình cố cứu mấy con bò luôn". Ông Ngọ bảo: "thôi con! Nguy hiểm lắm, cầu trời cho 3 con bò còn sống, thằng Hảo nhờ". Đúng như ông Ngọ cầu, 3 con bò nhà anh Hảo sau lũ đã tìm về. 
 
"Mấy bữa nay, bà con đến cảm ơn quá trời. Nhiều người còn mang cả tiền đến biếu, mà tui không lấy. Tui la làng bà con mới mang về. Tui còn sức, còn mạnh là còn giúp bà con. Vậy là được rồi!", ông Ngọ nói. 
 
Bài, ảnh: Phạm Anh
 

.