Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

10:11, 18/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2012 đến nay, cả nước xảy ra gần 130 nghìn vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Trong đó, nam giới chiếm hơn 83% đối tượng gây BLGĐ; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ BLGĐ. Những con số nêu trên cho thấy, BLGĐ đang là một thực trạng đáng báo động...

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê của Công an tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh có 278 vụ, năm 2015 có 361 vụ và đến năm 2016 có 276 vụ liên quan đến xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Trong số này, nhiều vụ việc đã gây ra những hậu quả đáng tiếc, thậm chí là gây nên những cái chết thương tâm. Các đối tượng bị BLGĐ, gồm trẻ em, người già, phụ nữ và ngay cả nam giới. Tuy nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là phụ nữ. BLGĐ là một trong những biểu hiện của việc bất bình đẳng giới, là nguyên nhân làm cho cuộc sống hôn nhân không đầm ấm...

Xây dựng mô hình ngăn ngừa BLGĐ

Ba Tơ là huyện vùng cao của tỉnh, với 85% dân số là đồng bào dân tộc Hrê. Thời gian qua, tình trạng BLGĐ trên địa bàn huyện có biểu hiện gia tăng. Nguyên nhân, đồng bào Hrê ở Ba Tơ có thói quen uống rượu, nên khó kiểm soát lời nói, hành vi. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 294 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân BLGĐ là phụ nữ 280 vụ, nam giới 14 vụ.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới tại xã Ba Cung (Ba Tơ).
Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới tại xã Ba Cung (Ba Tơ).

Trước thực trạng đó, năm 2012, huyện Ba Tơ đã cho thành lập mô hình CLB gia đình phát triển bền vững; nhóm phòng, chống BLGĐ. Để hoạt động hiệu quả, các CLB đã đặt ra mục tiêu, CLB phải là địa chỉ tin cậy, biến những chuyện của riêng từng gia đình thành trách nhiệm chung của CLB. Qua đó hóa giải những hiềm khích, mâu thuẫn trong gia đình bằng những phân tích, mổ xẻ thấu tình đạt lý, những lời khuyên can, tư vấn hay sự chia sẻ kịp thời.

Tỷ lệ nữ ĐBQH của tỉnh chiếm 57,14%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 24,64%, cấp huyện 20,65%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đã tăng lên đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, cấp cơ sở số nữ ủy viên Ban Chấp hành là 390/1.800 đồng chí, chiếm 20,8%; cấp huyện là 84/557, chiếm 14,1%; cấp tỉnh 10/54, chiếm 18,5%.
Đến nay, sau 5 năm triển khai, huyện Ba Tơ đã xây dựng thành công mô hình CLB  này ở nhiều địa phương, trong đó có những mô hình mới, như CLB “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của BLGĐ trên cơ sở giới”, CLB “Hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ”. Những CLB ở các xã Ba Bích, Ba Cung, thị trấn Ba Tơ... hoạt động rất hiệu quả, góp phần giảm đáng kể tình trạng BLGĐ.

Trên địa bàn huyện Bình Sơn, những năm trước cũng xảy ra nhiều vụ BLGĐ. Trước tình hình đó, các ban ngành, đoàn thể trong huyện đã tập trung thực hiện công tác hòa giải, thành lập tổ phản ứng nhanh, mô hình phòng, chống BLGĐ. Tại xã Bình Thới, sau khi thành lập CLB phòng, chống BLGĐ đã thu hút đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng và tham gia.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thới Nguyễn Thị Reo cho biết, thành viên trong CLB và các tổ phản ứng nhanh tại thôn, xóm thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình những hộ thường xảy ra bạo lực để có biện pháp tư vấn, hòa giải. Cũng theo bà Reo, thời gian đầu, CLB hoạt động còn khó khăn. Khi tới hòa giải, người dân không hợp tác, thậm chí còn có những phản ứng gay gắt.
 
Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của các thành viên CLB và các tổ phản ứng nhanh, nhiều gia đình sau khi được phân tích, hòa giải thành đã đến cảm ơn CLB. "Công việc này tuy vất vả, nhưng mang niềm vui cho nhiều gia đình, làng xóm yên bình. Vì thế, những người làm công tác hòa giải như chúng tôi cũng rất phấn khởi và có động lực để tiếp tục tham gia phòng, chống BLGĐ", bà Reo chia sẻ.

Trong quá trình tuyên truyền, các CLB luôn chú trọng phân tích cho người dân, nhất là nam giới hiểu rằng, trong hôn nhân, vợ và chồng có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, từ đó tạo sự đồng thuận, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.

Chung tay thực hiện bình đẳng giới

Theo Ban Chính sách-Pháp luật Hội LHPN tỉnh, các dự án, mô hình về BLGĐ được tuyên truyền, triển khai đồng loạt đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng. Hiện nay, các cấp hội đã duy trì và thành lập gần 400 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; mỗi địa phương đều có tổ nhóm phòng, chống BLGĐ thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Thống kê cho thấy, số phụ nữ bị BLGĐ được phát hiện và hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe giảm rõ rệt qua mỗi năm. Hiện nay, tỉnh ta đang duy trì được 4 mô hình phòng, chống BLGĐ, phát triển 1.666 CLB, mô hình gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Hằng năm, tỷ lệ BLGĐ  giảm hơn 30%.  

 

Tăng cường thông tin về cơ sở giúp phụ nữ miền núi nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bình đẳng giới.
Tăng cường thông tin về cơ sở giúp phụ nữ miền núi nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bình đẳng giới.

Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ ngày càng được chú trọng.

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các chính sách liên quan đến bình đẳng giới cho cán bộ nữ, cán bộ trong diện quy hoạch và người dân... Nhờ tích cực thực hiện các giải pháp đồng bộ, đã góp phần kéo giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tăng cường tiếp cận phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ dân tộc...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ trên cơ sở giới, đồng thời hưởng ứng Tháng hành động năm 2017, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Lương Kim Sơn, cho biết: Năm nay là năm thứ 2, tỉnh ta cùng với cả nước triển khai thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới” với chủ đề: "Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái". Thực tế hiện nay, việc ngăn chặn BLGĐ rất cần sự đồng lòng, chung tay của cả xã hội, trong đó cần phải làm tốt công tác bình đẳng giới.

Nguyên nhân gây nên tình trạng BLGĐ chính là do sự mất bình đẳng và nhận thức kém về bình đẳng giới. Nhận diện đúng, đủ về tệ nạn BLGĐ để mọi người ý thức chấp hành tốt Luật Bình đẳng giới, coi đó là việc làm cần thiết cho từng mái ấm. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống BLGĐ đến với mọi tầng lớp nhân dân phải là việc làm thường xuyên, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy mới chuyển biến nhận thức và hành vi của từng cá nhân, của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hoá gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.