40 năm thăng trầm cùng sách

10:10, 30/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gắn bó với nghề phát hành sách từ năm 18 tuổi, bà Lê Thị Tuyết, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) đã dành gần cả cuộc đời đồng hành với những thăng trầm cùng sách tại địa chỉ 325 Hùng Vương – nơi đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ học trò.

Khoảng thời gian dài đằng đẵng 40 năm, đủ cho nhiều mái nhà, góc đường ở TP.Quảng Ngãi đổi thay, nhưng cửa hàng phát hành sách và văn hóa tổng hợp của bà Tuyết qua bấy nhiêu năm vẫn vẹn nguyên như thế.

Lên núi, vượt sông... bán sách

Năm 1978, khi vừa học xong cấp 3, bà Lê Thị Tuyết được nhận vào làm nhân viên của Công ty Phát hành sách và Văn hóa tổng hợp Quảng Ngãi. Duyên nợ với sách của bà, bắt đầu từ đây. Được phân công nhiệm vụ bán sách lưu động, hành trình phát hành sách của bà Tuyết lúc ấy luôn gắn với chiếc xe đạp tròng trành.

Chỉ bằng xe đạp, nhưng bà Tuyết đã không ngại khó, ngại khổ, lặn lội vượt những chặng đường đất dài mấy mươi cây số lên tận Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm hoặc vòng xuống Nghĩa Phú, đi đò qua Nghĩa An để đưa sách về với mọi người, mọi nhà.

Cửa hàng phát hành sách và văn hóa tổng hợp tại số nhà 325 Hùng Vương đã trở thành địa chỉ quen thuộc, đi vào lòng nhiều thế hệ học sinh xứ Quảng.
Cửa hàng phát hành sách và văn hóa tổng hợp tại số nhà 325 Hùng Vương đã trở thành địa chỉ quen thuộc, đi vào lòng nhiều thế hệ học sinh xứ Quảng.


Rong ruổi bán sách lưu động được 3 năm, bà Tuyết được phân về cửa hàng phát hành sách và văn hóa tổng hợp trên đường Hùng Vương (số nhà 325 Hùng Vương bây giờ). Lúc ấy, đường Hùng Vương chưa sầm uất như bây giờ, nên cửa hàng sách bé nhỏ mà bà Tuyết phụ trách cùng vài nóc nhà khác, nằm lọt thỏm giữa khu đất mênh mông. Thế nhưng, bằng sự năng động, khéo léo của mình, bà Tuyết dần khiến cửa hàng trở nên sôi động, tấp nập khách ra vào. Vừa phụ trách bán sách tại cửa hàng, bà vừa đạp xe lưu động khắp nơi, để phát hành sách, phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị khi ấy.

“Ngày ấy, đường Hùng Vương chưa thành đại lộ, chỉ rộng 4-5m và bị ngập nước thường xuyên. Mỗi lần đến mùa mưa, đang bưng chén cơm mà thấy đường ngập là tôi vội đội mưa, lội nước, chạy lên cửa hàng “cứu” sách. Sau này có gia đình, tôi cùng các con tôi đều có ký ức giống nhau về những ngày mưa lụt, đó là lội nước bì bõm để lo cho sách”, bà Tuyết hồn hậu kể.
 

Cửa hàng phát hành sách và văn hóa tổng hợp (số nhà 325 Hùng Vương) trụ vững từ năm 1981 đến nay và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần phát triển văn hóa đọc của địa phương. Nhưng nay, cửa hàng đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, vì nằm trong quyết định bị thu hồi, nhằm chỉnh trang đô thị của UBND tỉnh.

Trọn đời yêu sách, yêu nghề

“Yêu nghề, mến khách” là bốn chữ ngắn gọn mà bà Tuyết dùng để nói về công việc mình gắn bó 40 năm nay. Suốt thời gian ấy, bà toàn tâm, toàn ý gắn với công việc phát hành sách, văn hóa phẩm. Cửa hàng phát hành sách nhờ đó mà hoạt động chưa từng gián đoạn, dù trải qua không biết bao thăng trầm, hưng suy của nghề.

“Ngày xưa người ta quý sách, cần sách. Còn sau này, khi công nghệ phát triển, vị trí của sách trong lòng bạn đọc giảm đi hẳn. Rồi tiếp sau đó, hàng loạt cửa hàng văn phòng phẩm mọc lên quy mô, nên sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn”, bà Tuyết kể về thách thức mà người phát hành sách như bà phải vượt qua trong thời đại mới - thời đại mà người ta có thể dễ dàng tìm đọc sách trên máy tính, điện thoại, thay vì phải bỏ tiền ra mua.

Để trụ vững trước thách thức mới, bà Tuyết phải đem hết tâm huyết, lòng yêu nghề của mình ra để làm vừa lòng khách hàng. Vừa bán sách, bà vừa tập trung đa dạng hóa cửa hàng bằng các loại văn phòng phẩm với giá cả phải chăng. Tranh ảnh, cờ, khẩu hiệu... phục vụ ngày lễ, đại hội cũng được bà quan tâm, phát triển. Nhờ đó, cửa hàng của bà giữ được chân khách hàng và vẫn “ăn nên làm ra”, dù hầu hết những cửa hàng phát hành sách mở cùng thời với bà đều đã đóng cửa. Trước sự cần mẫn cống hiến của mình, năm 2002, bà Lê Thị Tuyết đã được Bộ Văn hóa – Thông tin trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa thông tin.

Phục vụ khách hàng bằng sự cần mẫn, tận tâm, chu đáo, bà Lê Thị Tuyết đã khiến cửa hàng mình không chỉ là nơi người ta tìm đến để mua sách hay văn phòng phẩm, mà còn trở thành một phần ký ức khó quên trong lòng mỗi người. “Tôi mua sách ở đây từ thời còn là học sinh, sau đó, lại dắt con đến đây mua sách vở. Và giờ, lại vẫn dắt cháu nội, cháu ngoại đến mua. Như một thói quen khó thay đổi được”, bà Nguyễn Thị An, ở phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) tâm sự.       

           Bài, ảnh: Ý THU

 


.