Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Tư Nghĩa

09:09, 22/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các Hội đoàn thể chính trị - xã hội, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) ở huyện Tư Nghĩa đã có nhiều khởi sắc. Năm 2014, toàn huyện có trên 85% gia đình được công nhận GĐVH; năm 2015, toàn huyện có 86,4% GĐVH và đến năm 2016 có  gần 86,8%.
 
Trưởng Phòng VH-TT huyện Tư Nghĩa Phạm Viết Trí, cho biết: Xây dựng GĐVH là nội dung cốt lõi trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Do đó, công tác xây dựng GĐVH được cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp triển khai đồng bộ, rộng khắp, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ.

Dù các con có cuộc sống ổn định, nhưng vợ chồng ông Chế Văn Lâm vẫn miệt mài lao động, tạo việc làm cho người dân địa phương.
Dù các con có cuộc sống ổn định, nhưng vợ chồng ông Chế Văn Lâm vẫn miệt mài lao động, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Từ phong trào này đã tác động tích cực đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm; công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Các công trình hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo nên diện mạo khang trang ở nông thôn; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tình làng nghĩa xóm được gắn kết bền chặt.

Qua 3 năm thực hiện phong trào xây dựng GĐVH, đã xuất hiện ngày càng nhiều gia đình lưu giữ những nét đẹp thuần phong mỹ tục của gia đình, dòng tộc, hình thành lớp ông bà mẫu mực, dâu hiền, rể thảo, con cháu chăm ngoan, hiếu học...

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, nhưng vợ chồng ông Chế Văn Lâm (60 tuổi) ở khu dân cư số 7, tổ dân phố Vạn Mỹ, thị trấn Sông Vệ luôn nỗ lực nuôi các con ăn học nên người. Cách đây hơn 4 năm, người con trai cả của vợ chồng ông bà không may qua đời do tai nạn giao thông. Nén nỗi đau vào lòng, vợ chồng ông tiếp tục lao động mưu sinh, làm chỗ dựa cho cô con gái út ăn học.

Ông Lâm thổ lộ: Tôi tham gia bộ đội Campuchia, sau khi phục viên về quê công tác trong ngành kế toán, rồi giảng dạy bộ môn tiếng Anh. Để có điều kiện lo cho con, vợ chồng tôi còn làm nghề bó chổi đót. Giờ đây, mặc dù con cái của ông bà đã có việc làm ổn định, nhưng ông bà vẫn duy trì nghề làm chổi đót truyền thống của gia đình. Cơ sở của ông còn giải quyết việc làm cho 3-4 lao động địa phương, với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Dù bận rộn với công việc làm ăn, nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương; đóng góp các quỹ phúc lợi, an sinh xã hội ở địa phương.

Gia đình là tế bào của xã hội. Vì vậy, cùng với phát triển kinh tế, nhiều gia đình ở Tư Nghĩa còn chăm lo vun đắp đời sống văn hóa, tinh thần cho con cháu, phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc và của quê hương. Vợ chồng ông Huỳnh Sum (61 tuổi) ở thôn Bách Mỹ, xã Nghĩa Mỹ thật sự phấn khởi khi cả 3 người con đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Giờ đây, vợ chồng ông dành thời gian để tham gia công tác xã hội ở khu dân cư. Từ năm 2014 đến nay, ông Sum đã đứng ra huy động mì tôm, gạo, tiền... ủng hộ người nghèo, gia đình neo đơn trong các dịp lễ, Tết... với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng. Trong tháng 8 vừa qua, ông Sum đã vận động những người con quê hương đang sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn 15 con bò giống, với tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng...

Trưởng Phòng VH-TT huyện Tư Nghĩa Phạm Viết Trí, cho biết thêm, trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức biểu dương, khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng những GĐVH tiêu biểu. Qua đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo khí thế thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.