Khi bố mẹ vắng nhà

04:09, 26/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vì cuộc sống mưu sinh, nên nhiều người phải gửi con ở lại quê để vào TP.Hồ Chí Minh kiếm sống. Không có cha mẹ ở bên cạnh, nhiều đứa trẻ quen với cuộc sống  tự lập, và để bù đắp cho sự vất vả của bố mẹ ở phương xa, nhiều em đã nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập.

Quen sống tự lập


Nhà của ông Đỗ Bổ (80 tuổi) ở thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) luôn vắng lặng. Chỉ khi hai đứa cháu nội của ông là Đỗ Thị Lợi (học sinh lớp 11, Trường THPT Ba Gia) và Đỗ Duy Quý (học lớp 9, Trường THCS Tịnh Bình) đi học về thì ngôi nhà mới xôn xao. Vừa về đến nhà, cất cặp sách, hai chị em Lợi không ai bảo ai, người dọn chén, người bưng cơm dọn lên ngay ngắn rồi lễ phép mời ông nội dùng bữa trưa.

Hai em đã quá quen với cảnh không có cha mẹ ở bên, nên luôn tự giác, chủ động làm những việc mình có thể làm được. Ông Bổ tâm sự: "Ba mẹ mấy cháu buôn bán ví da dạo trong TP.HCM, cả năm về một lần trong dịp Tết. Đứa nào cũng vậy, vừa thôi nôi là mẹ tụi nó để lại cho ông nội, rồi vào lại trong đó buôn bán".

Ông Đỗ Bổ thường xuyên quan tâm, bảo ban hai chị em Lợi học tập.
Ông Đỗ Bổ thường xuyên quan tâm, bảo ban hai chị em Lợi học tập.


Lợi dù chỉ lớn hơn Duy có hai tuổi, nhưng luôn ở bên cạnh để động viên, dạy bảo em trai thay cho bố mẹ. Từ khi học lớp 4, đầu năm học Lợi đã biết tự mua sách vở, dụng cụ học tập và liên hệ may quần áo đi học cho hai chị em mà không cần ông nội phải lo toan. Từ bé Duy cũng đã biết chia sẻ công việc nhà với chị gái. Ý thức mình là con trai trong nhà, ông nội thì ngày càng già yếu, nên Duy luôn giành làm công việc nặng nhọc.

Duy hớn hở nói: "Việc gì em cũng làm được hết, từ cắt cỏ cho bò, nhổ mì, phơi mì, đến nấu cơm, rửa chén. Hè này em tranh thủ đi phụ bán quán cơm với dì, nên cũng kiếm được chút tiền để mua sách vở, quần áo mới cho năm học để ba mẹ đỡ vất vả".

Ở cùng thôn với chị em Lợi, hai chị em Nguyễn Thị Thanh Tuyền (18 tuổi) và Nguyễn Quốc Tiến (học lớp 11, Trường THPT Ba Gia) cũng xa cha mẹ từ tấm bé. Cha mẹ hai em cũng vào TP.Hồ Chí Minh buôn bán dạo để kiếm tiền về nuôi các con ăn học. Biết được hoàn cảnh của gia đình, từ nhỏ hai em rất ngoan ngoãn, vâng lời ông bà ngoại. Không chỉ cố gắng trong học tập, hai em thường xuyên phụ giúp ông bà công việc nhà.

Bà Bùi Thị Đi (64 tuổi, bà ngoại của Tuyền) bộc bạch: "Đứa nào cũng vậy, mới 12 tháng đã cai sữa mẹ. Thương tụi nhỏ không có bố mẹ bên cạnh, nhưng đành phải vậy, ở quê không có việc làm ổn định, phải vào Nam lao động mới có tiền nuôi tụi nhỏ ăn học".

Quà tặng cho bố mẹ

Mới đây, em Nguyễn Thị Thanh Tuyền đỗ vào Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh với 20 điểm. Tuyền bảo, tin vui này là món quà em dành tặng cho bố mẹ bao năm qua đã vất vả nuôi em ăn học. Vào nhập học ở TP.Hồ Chí Minh, Tuyền tranh thủ thời gian rảnh đi làm thêm, để bố mẹ đỡ phần vất vả. Hiện chỉ còn Tiến ở quê cùng với ông bà.  Tiến tâm sự: "Thấy chị Tuyền đỗ đại học như là một tấm gương sáng cho em. Em sẽ cố gắng học tốt như chị để cha mẹ vui lòng".

Còn hai em Đỗ Thị Lợi, Đỗ Duy Quý luôn mang đến niềm vui cho bố mẹ với thành tích học tập xuất sắc. Lợi đạt học sinh giỏi 10 năm liền. Từ tiểu học đến THCS, hai em đều tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và đạt nhiều giải thưởng. Với Duy, em cũng không hề thua kém chị gái, suốt 8 năm liền đều đạt học sinh giỏi và đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Khi nói đến ước mơ, đôi mắt Duy sáng rực lên. Duy chia sẻ: "Sau này em sẽ thi ngành kiến trúc sư. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ của mình và để bù đắp vất vả mà bố mẹ đã trải qua".

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 


.