Cụ bà 50 năm gắn bó với nghề làm giá

03:08, 10/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Suốt 51 năm qua, bà Nguyễn Thị Nhàn (71 tuổi) ở làng giá Xóm Vạn hay còn gọi là Vạn Đò, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) vẫn tần tảo với đôi quang gánh. Dáng người cao gầy, làn da đen sạm bởi nắng, nhưng ánh mắt của luôn ánh lên ngọn lửa yêu nghề... 
 
Những ngày tiết trời tháng 8 Quảng Ngãi vẫn còn nắng như đổ lửa, nhưng bà Nhàn vẫn còng lưng với đôi quang gánh. Mấy chục năm nay bà vẫn vậy, là  những lời  mà người dân sống dọc đoạn đường qua thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) nhắc đến khi nói về bà. 
 
Men dọc ven sông phía bắc sông Trà, theo chỉ dẫn của người dân, đến bãi cát Xóm Vạn vào tầm 3 giờ chiều, tôi được tận mắt chứng kiến cụ bà với mái tóc bạc trắng, tấm lưng đã lòng còng như dấu hỏi nhưng  vẫn đang cần mẫn với công việc, để làm ra những mẻ giá ngon sạch.
 
cụ Nhàn
Cụ Nguyễn Thị Nhàn năm nay đã 71 tuổi và có 50 năm làm nghề giá đỗ 

 

Tuổi già vậy mà từng động tác của bà vẫn thoăn thoắt, chẳng kém những người trẻ tuổi. Đôi bàn tay gân guốc, nhuộm đen bởi cái nắng cháy của miền Trung vẫn nhịp nhàng và liên tục đào những hốc cát sâu gần nửa mét để gieo đậu xanh và dùng cát lấp kín những hạt đậu vừa gieo. Công việc này được cụ lặp đi lặp lại cho tới khi ổ giá được lấp đầy. 

Nghe ra thì có vẻ đơn giản nhưng lại khá vất vả, đặc biệt đối với người đã có tuổi như cụ. Không những cần sức bền ở đôi tay dùng cuốc để đào những hốc cát mà đôi mắt cần phải tinh để nhận ra đâu là lớp cát sạch, thế mà cụ vẫn tỉ mỉ trong khâu chọn cát.
 
Đôi tay dùng cuốc vừa cào, miệng vừa cười nói bộc hạch bảo: “Trước khi gieo đậu, phải chọn chỗ cát sạch. Không cẩn thận chọn nhầm chỗ cát vừa cho thu gom giá, chưa được nước sông gội rửa thì có khi bao nhiêu vốn liếng và công sức bao ngày chăm sóc trở thành công cốc”. Vừa dứt lời, cụ vội nhanh tay với lấy rổ đậu gieo vào những hốc cát. 
 
Cụ “bật mí” về nét độc đáo của nghề: “Giá đỗ nơi đây không làm theo kiểu ủ trong chum, vại, thùng xốp như nhiều nơi khác mà bà với người dân ở đây đào “hầm” cát để ủ giá. Nhờ đó mà giá đỗ Vạn Đò nay được nhiều người biết đến, vì cây giá ở đây ngon và ngọt hơn”.
 
hàng ngày cụ vẫn cần mẫn với công việc để làm ra những mẻ giá ngon sạch
Hằng ngày cụ vẫn cần mẫn với công việc để làm ra những mẻ giá ngon sạch.
 
“Nghe ra thì đơn giản nhưng nghề này vất vả lắm. Mùa nắng thì phải tưới nước thường xuyên, mỗi ngày tưới nước cho “hầm” giá 3 lần (sáng, trưa, chiều tối). Mỗi “hầm” cần khoảng 20 lít nước mỗi ngày mới đủ cho đậu nảy mầm. Còn mùa mưa thì phải thức trắng đêm canh nước lũ, nhiều khi mất trắng”- cụ Nhàn chia sẻ.
 
Để thu hoạch giá cho kịp phiên chợ sáng, cụ phải dậy từ 3 giờ sáng. Đưa tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán, cụ Nhàn buông lời: “Đêm nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng là lục đục ra bãi bắt đầu thu hoạch giá. Đầu tiên phải bới cát lấy giá, tiếp đến sàng giá, rồi rửa giá, có mấy việc đó mà loay hoay tới hơn 5 giờ sáng, nhiều khi phải chạy với đôi gánh trên vai cho kịp bạn hàng ở chợ”.
 
Với cụ, đến nay làm giá đỗ không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn là niềm yêu nghề. Chính cái nghề làm giá sạch này đã giúp vợ chồng cụ nuôi hai đứa con ăn học thành tài. 
 
Anh Trần Văn Nam – Trưởng thôn Thọ Lộc cho biết: “Cụ Nguyễn Thị Nhàn được xem là người làm giá lâu năm nhất tại xóm giá Vạn Đò. Dù đã cao tuổi nhưng cụ vẫn còn hăng say với nghề, chẳng thua nông dân trẻ như tôi, người trong làng ai cũng thán phục”.
 
Thời gian gần đây việc khai thác cát trên  sông Trà Khúc làm cho diện tích cát sạch ngày càng bị thu hẹp, dễ bị ngập lụt…, ảnh hưởng rất lớn đến công việc làm giá truyền thống đã có từ bao đời. 
 
Cụ Nhàn chép miệng tiếc nuối bãi cát ngày xưa, nhưng khi hỏi có lo nghề giá mai một, cụ vui vẻ nói: “ làm gì có mai một, mấy người già không làm nổi thì lớp trẻ tiếp tục làm, như nhà tôi đây con dâu, cháu dâu đều làm nghề này cả. Mong là dòng sông Trà vẫn còn thương chúng tôi để có nơi di canh làm giá, duy trì và phát triển nghề làm giá truyền thống của xóm Vạn Đò ”. 
 
Bài, ảnh: Phạm Tiên
 
 

.