Xử án hành chính: Thẩm phán phải tổ chức đối thoại

02:07, 01/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Tố tụng hành chính (TTHC) 2015 quy định đối thoại là thủ tục bắt buộc và là nhiệm vụ của thẩm phán khi được chánh án phân công giải quyết vụ án hành chính.  

TIN LIÊN QUAN


Đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính giữa các đương sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp họ tiếp xúc, trao đổi và có nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc tranh chấp,  góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử, giảm các vụ kiện kéo dài, giải quyết được mâu thuẫn, xung đột trong nhân dân.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc đối thoại và nhằm đảm bảo tính pháp chế trong tố tụng hành chính, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2006) bước đầu ghi nhận: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, tòa án tạo điều kiện để các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, quy định thỏa thuận gặp phải những vướng mắc, hạn chế trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, đôi khi hiểu, áp dụng không thống nhất, gây bất lợi cho cả người bị kiện và người khởi kiện.

Để khắc phục những hạn chế trên, Luật TTHC 2010 ra đời đã sửa đổi thuật ngữ “thỏa thuận” thành “đối thoại” và quy định rõ quyền, nghĩa vụ đối thoại của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Việc quy định trên đã phần nào ghi nhận quyền đối thoại của các bên đương sự, mà nhất là quyền đối thoại của người khởi kiện.

Tuy nhiên, các quy định này còn chung chung, chưa được hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành; chưa khẳng định đối thoại là một nguyên tắc bắt buộc hay không bắt buộc, do đó trong thực tiễn áp dụng các điều luật này, một số cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều cách hiểu khác nhau, có nơi xem đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là thủ tục bắt buộc, có nơi lại xem đây không phải thủ tục bắt buộc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động xét xử vụ án hành chính, làm tăng mâu thuẫn, xung đột giữa nhân dân, tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thuế và hải quan.

Nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết khiếu kiện hành chính trong tình hình mới, đồng thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, Luật TTHC 2015 quy định đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính là một thủ tục bắt buộc. Cụ thể: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định của Luật này” và “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không tiến hành đối thoại được, vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các Điều 135, 198 và 246 của Luật này”.

Bên cạnh đó, Luật TTHC 2015 cũng đã quy định cụ thể, chi tiết về nguyên tắc đối thoại (Điều 134); những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại (Điều 135); trình tự, thủ tục tổ chức đối thoại (từ Điều 136 đến Điều 138); biên bản đối thoại (Khoản 2, Điều 139) và xử lý kết quả đối thoại (Điều 140). Các quy định trên được đánh giá là bước hoàn thiện đáng kể so với Luật TTHC 2010.

PV
 


.