Trần Ngọc Tuấn và hai chuyến tàu không số bị chìm ở Quảng Ngãi

02:07, 24/07/2017
.

 


TRẦN ĐĂNG
 
(Baoquangngai.vn)- Trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” có một nhân vật được nhắc đến bằng một cái tên, không mang họ. Người chiến sĩ đó cùng 13 thương binh khác vừa thoát hiểm tại bờ biển của làng Quy Thiện, xã Phổ Khánh huyện Đức Phổ trong một trận đánh giữa tàu không số với hàng chục tàu chiến và máy bay Mỹ. Tên đầy đủ của ông là Trần Ngọc Tuấn, đang ở tuổi 85.
 
“Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”.
 
Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một chuỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc trào lên trong mình…”. Đó là những dòng trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ghi ngày 10.4.1968.
 
Nhân vật Tuấn được nhắc tới trên đây, giờ thành một cụ già gầy gò nhưng còn khá nhanh nhẹn, hoạt bát. Ông bảo “người tôi hồi giờ cứ gầy gầy vậy nhưng được cái là không đau ốm chi. Có lẽ vì nhẹ cân nên trên chọn đi tàu không số, mình nhẹ một ký thì thêm một ký vũ khí mang vô miền Nam thôi”. Ông nhập đề một cách nhẹ nhàng pha chút hóm hỉnh để nói về những chuyến “vào Nam” bằng những chiếc tàu không số cách nay đã trên 50 năm.
 
Bất ngờ làm thủy thủ
 
Trò chuyện với ông tại nhà riêng trong một con hẻm nhỏ ở Nha Trang, tôi cứ thắc mắc tại sao ông sinh ở Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, một vùng đồi chả có sông suối gì lớn nhưng đùng một cái, ông trở thành thủy thủ tàu không số. “Thường thì người ta tuyển những anh bơi lặn giỏi, sinh ở vùng sông nước, chú lại sinh trên núi, chú học bơi từ lúc nào vậy?”. 
 
Ông Tuấn chậm rãi: “Giỏi chi đâu có! Tôi bơi bằng… phao mà. Chuyện các nhà “tuyển trạch” chọn tôi vào đội quân của tàu không số được bắt nguồn từ một cơ duyên. Năm 1953, tôi cùng lớp trai làng tham gia “tình nguyện quân” bên Hạ Lào. Ăn chưa hết bao gạo thì có lệnh đình chiến. Chúng tôi về đóng quân ở xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tham gia đào kênh Bàu Lác, chờ ngày vào Quy Nhơn xuống tàu tập kết ra Bắc. 

 

Ông Tuấn xem lại các kỷ vật liên quan đến tàu không số. Ảnh: Công Thi
Ông Tuấn xem lại các kỷ vật liên quan đến tàu không số. Ảnh: Công Thi
 
Những tưởng đơn vị sẽ đóng chốt lâu dài ở Mộc Châu, Sơn La để trở về miền Nam thì một hôm tôi nhận giấy triệu tập đi học Trường Sỹ quan Lục quân 1. Học bộ binh nhưng ra trường, trên lại điều về Trường 45 của hải quân, đóng ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Tại đây, tôi được phong quân hàm thiếu úy, làm trợ lý chính trị tiểu đoàn, bắt đầu cho một hành trình mà tôi hoàn toàn không ngờ tới: làm chính trị viên cho các chuyến tàu chở vũ khí vào Nam.
 
Có lẽ trên “chấm” tôi làm chính trị viên trên tàu là do tôi biết cách động viên mọi người vượt qua khó khăn chăng? Chứ tôi nào có bơi lội giỏi giang gì như các đồng đội đâu. Sinh ra trên núi mà vẫn làm thủy thủ tàu không số, có lẽ tôi thuộc trường hợp hiếm hoi trong số những chiến sĩ hải quân thời đánh Mỹ”.
 
Vào Nam như đi ... chợ
 
Ông Tuấn kể, từ năm 1962 đến năm 1968, ông tham gia 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam trên những chiếc tàu không số. Trong đó có hai chuyến do chính đồng đội của ông trực tiếp cho nổ mìn để xóa dấu vết sau khi bị địch phát hiện và vây đuổi. Lần đầu xảy ra tại vùng biển Sa Kỳ, lần sau tại vùng biển Quy Thiện. Ông Tuấn được bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhắc đến trong cuốn nhật ký của mình qua vụ chìm tàu thứ hai này.
 
Ông Tuấn hồi tưởng: “Năm 1962, đang làm trợ lý chính trị tiểu đoàn thì một hôm cấp trên gọi tôi lên giao việc: “Đồng chí chuẩn bị tư trang để nhận nhiệm vụ đặc biệt”. Hồi đó mà nghe “nhiệm vụ đặc biệt” là biết trở về miền Nam nên rất phấn khích. Mà cũng chẳng riêng chi tôi, anh em tập kết hồi đó mà nghe được trở lại miền Nam là ai cũng háo hức. Nhưng tôi cứ đinh ninh là mình đi đường bộ chứ đâu ngờ là đi bằng những chiếc tàu đánh cá như vậy!”. 
 
Ông Tuấn kể tiếp, giọng hào hứng như câu chuyện vừa mới xảy ra hôm qua: “Những chuyến hàng đầu tiên, chúng tôi chở vô tận miền Tây Nam bộ, chuyến nào cũng trót lọt. Thú thật là giai đoạn đầu, đi miền Nam bằng tàu biển như… đi chợ. Cho mãi đến khi sự kiện Vũng Rô làm “choàng tỉnh” cả hệ thống chiến tranh đồ sộ của người Mỹ, việc đưa vũ khí vào Nam bắt đầu khó khăn dần.
 
Mỹ đã bố trí lực lượng không quân, hải quân dày đặc trên biển Đông để kiểm soát các con tàu mà chúng nghi vấn. “Hai chìm” là hai vụ mà Mỹ phát hiện tại Quảng Ngãi, buộc chúng tôi phải chấp nhận hy sinh và hủy tàu. Đó cũng là hai lần tôi phải trở ra Bắc bằng đường bộ”.
 
Hai lần phải đánh mìn cho tàu chìm ở Quảng Ngãi
 
Sau chuyến đi trót lọt chở vũ khí vào tận Trà Vinh, tháng 3.1967, ông Tuấn cùng đồng đội được nhận lệnh chở chuyến hàng vào Quảng Ngãi. Khi tàu chuẩn bị tiếp cận với bờ thuộc vùng biển Sa Kỳ thì máy bay trinh sát cùng tàu chiến của Mỹ phát hiện. Chúng vây đuổi rất “rát”. Ông Tuấn cùng đồng đội quyết định bơi vào bờ rồi cho nổ tung con tàu cùng toàn bộ vũ khí mang theo. Đặt chân lên bờ, họ nhìn hướng Trường Sơn trực chỉ.
 
Nhắc lại cuộc vượt Trường Sơn lần đó, 50 năm sau ông Tuấn vẫn còn tái mặt: “Sợ bị địch bắt sống nên chúng tôi đã hủy toàn bộ giấy tờ tùy thân, lại không thể khai thật với tổ chức mà chúng tôi gặp trên đường là mình tham gia chở vũ khí vào Nam bằng đường biển bị địch phát hiện phải hủy tàu. Vì vậy, không một trạm giao liên nào ở Trường Sơn “đón” chúng tôi cả. Gặp đâu xin ăn đó, vừa đói vừa bị những cơn sốt rét hành hạ, người nào cũng trơ xương.

 

Trần Ngọc Tuấn (hàng đứng, thứ 4 từ trái sang) cùng 13 đồng đội của tàu không số mật danh 43 bị địch phát hiện tại Đức Phổ.  Ảnh nhân vật cung cấp.
Trần Ngọc Tuấn (hàng đứng, thứ 4 từ trái sang) cùng 13 đồng đội của tàu không số mật danh 43 bị địch phát hiện tại Đức Phổ. Ảnh nhân vật cung cấp.
 
Đã vậy, ra tới Trạm 400 thuộc địa phận Hà Tĩnh, chúng tôi còn bị bắt nhốt vì họ nghi là bộ đội đào ngũ! Đến nước này thì tôi phải khai thật rằng chúng tôi là quân của ông Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759 (tức đoàn tàu không số). Họ đã tìm cách liên lạc với chỉ huy Đoàn và biết chúng tôi là lính của tàu không số. Đến đây thì mọi việc trở nên đơn giản hơn. 
 
Đúng 6 tháng sau ngày cho nổ tung con tàu gần cửa Sa Kỳ, chúng tôi mới về tới Hải Phòng”. Chưa kịp “hoàn hồn” sau chuyến đi thừa chết thiếu sống ấy, ông Tuấn lại được gọi lên đường. Lần này vẫn là địa bàn Quảng Ngãi nhưng ở tận phía nam tỉnh này.
 
Chiếc tàu mang mật danh 43 chọn bãi biển Quy Thiện để đổ bộ. Và bị phát hiện. Tàu ông Tuấn bị 4 tàu chiến cùng 10 ca nô của Mỹ đeo bám quyết liệt. Đạn từ máy bay, tàu chiến của Mỹ bắn thẳng vào chiếc tàu chở vũ khí của ta như mưa xối. Ông Tuấn cùng đồng đội, một mặt bắn trả, mặt khác ông lệnh cho máy trưởng tăng tốc để vào gần bờ trước khi trời sáng hẳn. Một bức điện khẩn được đánh về Bộ chỉ huy ngoài Bắc: “Tàu 43 gặp địch vây đánh, quyết đánh trả, hủy tàu”. Lúc đó đã quá 12 giờ đêm. Con tàu đã “lách” trong mưa đạn pháo của giặc để tiếp cận vào bờ nhanh nhất.
 
Cũng như chiếc tàu ở Sa Kỳ trước đó, tàu 43 đã được cho nổ tung. Nhưng điều đau đớn là, có 3 đồng đội đã phải nằm lại. 14 người còn lại đã được người dân Quy Thiện cưu mang rồi dẫn vượt Quốc lộ 1 để lên Trạm xá Bác Mười, nơi có người bác sĩ trẻ tuổi tên Đặng Thùy Trâm chờ đón họ. Hơn một tháng sau thì 14 chiến sĩ lại vượt Trường Sơn ra Bắc lần nữa. Nhưng lần này thì có “bảo bối” trong tay được tổ chức xác nhận hẳn hoi. “Không ngờ buổi chiều chia tay chị Thùy Trâm cũng là lần vĩnh biệt người bác sĩ xinh đẹp và đôn hậu ấy”- ông Tuấn ngùi ngùi nhớ lại buổi chia tay từ 50 năm trước.
 
Sau chuyến vượt Trường Sơn thứ 2 ấy, ông Tuấn ra quân rồi chuyển sang làm cán bộ tổ chức cho một trường đại học cho đến ngày nghỉ hưu. 
 
 

.