Tấm lòng với các gia đình có công cách mạng

09:07, 28/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thường xuyên rà soát, thống kê đối tượng hưởng chế độ chính sách để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng người có công là công việc thầm lặng thường ngày của những cán bộ phụ trách công tác lao động-thương binh và xã hội ở cơ sở.

TIN LIÊN QUAN


Lật từng trang sổ ghi tên các gia đình chính sách, ông Nguyễn Ngọc Dược (58 tuổi) phụ trách công tác lao động-thương binh và xã hội xã Phổ Nhơn (Đức Phổ) kể: "Phải thường xuyên kiểm tra thì việc thăm hỏi, trao quà mới đúng và đủ được. Dù giá trị suất quà không lớn, nhưng nó hàm chứa cả tấm lòng tri ân đối với người có công với cách mạng, nên không để trường hợp  nào bị thiệt thòi".

Ông Nguyễn Ngọc Dược thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tám (92 tuổi) ở thôn An Tây, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ).
Ông Nguyễn Ngọc Dược thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Tám (92 tuổi) ở thôn An Tây, xã Phổ Nhơn (Đức Phổ).


Ông Dược làm công tác này đã 12 năm nay, sau 17 năm sau làm cán bộ tài chính xã. Với ông, điều quan trọng đối với người làm công tác lao động-thương binh và xã hội là phải tận tâm với công việc, trung thực trong việc chi tiền, quà. Vì vậy, ông thường xuyên thống kê, rà soát các đối tượng hưởng chế độ chính sách trong xã, nắm kỹ hoàn cảnh từng đối tượng, để có thể giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời.
 

"Tôi luôn tự nhủ với bản thân phải sống và làm việc có trách nhiệm với lớp cha anh đi trước, để góp phần xây dựng quê hương ấm no".
Cán bộ phụ trách công tác LĐ-TB&XH xã Phổ Minh (Đức Phổ)  HUỲNH THỊ MINH HIỆP

Trong những ngày tháng 7 này, dù bận rộn với nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, nhưng ông Dược vẫn nhiệt tình hướng dẫn người dân làm các thủ tục, để hưởng chế độ chính sách; đưa các tổ chức, cá nhân đi thăm, tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng. Ông Dược chia sẻ: "Làm công việc này là vậy, phải luôn nhẹ nhàng, thân thiện giải thích để người dân hiểu.

Hiện toàn xã Phổ Nhơn có 323 đối tượng chính sách, người có công; trong đó có 211 người được hưởng trợ cấp hằng tháng. Ông Dược cũng từng là người lính ở chiến trường Campuchia (1977- 1982), từng chứng kiến đồng đội hy sinh, những nỗi đau mất mát của nhiều gia đình khi có người thân nằm lại ở chiến trường, nên giờ đây, được công tác trong lĩnh vực này, ông Dược coi đó là một niềm hạnh phúc. Vì thế, ông luôn tích cực chăm lo đảm bảo quyền lợi cho các gia đình có công với cách mạng.

Còn chị Huỳnh Thị Minh Hiệp, dù chỉ mới 34 tuổi, nhưng đã có thâm niên 9 năm phụ trách công tác lao động-thương binh và xã hội ở xã Phổ Minh (Đức Phổ). Là thế hệ sinh ra trong thời bình, nên chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt công tác được giao.

Khi cấp trên có những chủ trương, chính sách mới, chị Hiệp đều tích cực tham mưu cho lãnh đạo xã phổ biến kịp thời đến người dân. Như trong năm 2016, trường hợp của ông Tô Văn Ân (53 tuổi) ở thôn Lâm An bị khuyết tật 61%, lại là con liệt sĩ, nên chị Hiệp cùng với lãnh đạo xã đến nhà ông Ân hướng dẫn ông làm các giấy tờ để được hưởng quyền lợi.

Chị Hiệp chia sẻ: "Qua những câu chuyện kể của bà, của bố mẹ về những năm tháng chiến tranh đã giúp tôi thấu hiểu nỗi lòng của những người có người thân hy sinh hoặc mang trong mình những vết thương chiến tranh. Vì thế, tôi luôn tự nhủ với bản thân phải sống và làm việc có trách nhiệm góp phần xây dựng quê hương ấm no".

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG


 


.