Quy trình, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng: Còn nhiều vướng mắc

04:07, 10/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hầu hết các dự án chậm tiến độ đều xuất phát từ khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp vướng mắc, kéo dài thời gian do thủ tục còn nhiều bất cập. Đây là vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian đến.

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, Quảng Ngãi đang triển khai nhiều dự án giao thông lớn, nên khối lượng công việc liên quan đến bồi thường, GPMB, tái định cư rất nhiều. Theo quy trình, thủ tục liên quan đến GPMB sẽ do chủ đầu tư và chính quyền địa phương phối hợp giải quyết.

Tuy nhiên, do sự phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng khi gặp vướng mắc thì quyền lợi chính đáng của người dân bị rơi vào tình trạng “dưới đẩy lên, trên chuyển xuống”. Có không ít dự án, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhưng việc giải quyết quyền lợi người dân về bồi thường, tái định cư vẫn chưa dứt điểm.

Tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Tịnh Phong (Sơn Tịnh).                               Ảnh: PV
Tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Ảnh: PV


Huyện Bình Sơn đang là địa phương có nhiều dự án trọng điểm triển khai, đặc biệt là các dự án: Nâng cấp, mở rộng QL1; Cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất. Lãnh đạo huyện này nhiều lúc phải "than thở", bởi không đủ nhân lực để phục vụ công tác bồi thường, GPMB, tái định cư cho dân. Phần lớn các dự án ở đây hiện tại đều chậm so với tiến độ vì vướng GPMB, tái định cư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên, cho biết: Hiện nay, vướng mắc nhất trong GPMB là xác định nguồn gốc đất, xác định chủ sử dụng đất. Có nhiều thửa đất qua nhiều thời kỳ sử dụng, nhưng việc quản lý nhà nước về đất đai chưa kịp thời, chặt chẽ. Nhiều chủ sử dụng đất không ở địa phương. “GPMB chậm, nhất là đối với dự án giao thông đã gây nhiều khó khăn cho địa phương, trong đó có vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Hiện nay, Bình Sơn đã thành lập tổ công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Việc chính là phối hợp xác định nguồn gốc đất, giải quyết thấu đáo quyền lợi của người dân theo quy định”, ông Yên nói.

Thế nhưng, cũng có những vướng mắc mà nguyên nhân chính xuất phát từ người dân trong diện thu hồi đất khi được bồi thường thiệt hại. Nhiều người dân đã nhận đủ tiền bồi thường cách đây 3 - 4 năm, nay không chịu bàn giao mặt bằng, cố tình gây khó khăn cho chủ đầu tư bằng cách  viết đơn khiếu nại về... giá đất quá thấp! Tuy nhiên, khi phát sinh khiếu nại này thì chính quyền vào cuộc giải quyết chưa rốt ráo, dứt điểm, dẫn đến vụ việc kéo dài.

Hay như dự án thủy điện Sơn Tây (xã Sơn Tân, Sơn Tây), nhiều tháng nay bị ngưng trệ tiến độ do công tác GPMB gặp vướng mắc. Cụ thể, chủ đầu tư không thỏa thuận được với 1 hộ dân về giá đất bồi thường, vì giá đất người dân đưa ra cao gấp hàng chục lần so với giá các hộ dân khác có đất liền kề.

Các dự án liên quan đến tái định cư cho dân, hầu hết khâu bồi thường, cấp đất, đưa người dân về nơi ở mới đều chậm trễ. Có không ít dự án, công trình đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều năm mà người dân vẫn chưa có nơi tái định cư, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Bền, xã Bình Nguyên (Bình Sơn), kiến nghị: “Xây dựng và phê duyệt giá đất tái định cư công khai, cụ thể cho người dân biết để tính toán phương án lo chỗ ở mới. Trong đó phải cụ thể hóa giá đất mà Nhà nước thu hồi của dân và giá tái định cư do Nhà nước bán cho dân. Việc này hiện nay làm chưa tốt. Theo tôi, khi mọi chủ trương, chính sách được công khai, thực hiện công bằng thì GPMB mới thuận lợi, nhanh chóng”.

THANH NHỊ

 


.