Lý Sơn: Những giếng nước quý hiếm giữa mùa khô

04:07, 06/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ đến mùa khô hạn, người dân Lý Sơn lại đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, ở đây lại có những giếng nước chưa bao giờ cạn, giúp giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô nơi đất đảo.

TIN LIÊN QUAN

Theo các bậc cao niên ở Lý Sơn, trên địa bàn huyện hiện có 4 giếng nước từ nhiều đời nay chưa bao giờ cạn. Trong đó có một giếng nước bên chân sóng thuộc thôn Đông (xã An Vĩnh), số còn lại nằm rải rác trên các cánh đồng xã An Vĩnh, An Hải để tưới cho hoa màu.
        
Chia sẻ nguồn nước  

Đầu tháng 7, Lý Sơn rơi vào đỉnh điểm của mùa khô hạn. Mặt trời vừa ló dạng, ánh nắng đã làm rát da người. Những giếng nước sinh hoạt, giếng tưới hoa màu đã trơ đáy. Người dân dậy từ rất sớm để đi lấy nước phục vụ sinh hoạt và tưới hoa màu. Tại giếng Rừng (ở thôn Tây, xã An Vĩnh), nhiều người mệnh danh đây là “giếng thần”, người dân đặt mô-tơ, ống nước chằng chịt quanh giếng để lấy nước tưới ruộng hành, bắp. Lão nông Võ Văn Xã, cho biết: "Giếng này không bao giờ cạn. Nhờ nguồn nước ở giếng mà những ruộng hành, bắp trong mùa khô này vẫn giữ được màu xanh”.

Nguồn nước từ giếng Rừng, ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) đã mang lại màu xanh cho nhiều thửa ruộng giữa mùa khô hạn.
Nguồn nước từ giếng Rừng, ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) đã mang lại màu xanh cho nhiều thửa ruộng giữa mùa khô hạn.


Ông Phạm Khắt Tráng, chủ giếng Rừng cho biết:  "Nếu như những cánh đồng nơi khác thiếu nước tưới, nông dân chỉ làm một vụ, hoặc hai vụ bấp bênh, thì những thửa ruộng cạnh giếng Rừng, bà con làm hai vụ quanh năm ăn chắc". Theo lời ông Tráng, cùng một lúc chạy nhiều mô-tơ, đôi lúc giếng cũng hết nước, nhưng cứ hết tối hôm trước, sáng hôm sau nước lại tràn đầy.

Giếng Rừng được cha của ông Tráng là ông Phạm Khắc Lý đào từ những năm 70. Ông Tráng cho biết, theo lời của người đi trước kể lại, việc đào giếng rất công phu. Mới đào khoảng 6-7m thì gặp tảng đá bàn khá to chắn ngang, phải ngày đêm đục đẽo, nhưng vẫn không thành. Theo thầy địa lý, dưới tảng đá này có một túi nước khổng lồ, chỉ cần đưa hòn đá này lên thì tha hồ lấy nước.

Nghe lời gợi ý, gia chủ  quyết định nổ mìn lấy đá, tìm nước. Khi lấy đi lớp đá quả nhiên giếng tràn đầy nước. Cứ đến mùa khô hạn, thấy cảnh nông dân khổ sở tìm nước tưới hoa màu, nên ông Tráng cho nhiều hộ cùng sử dụng giếng Rừng. Ông đã huy động bà con tu bổ giếng để có nguồn nước phục vụ hoa màu.

Giải cứu cơn khát từ giếng Vua

Lý Sơn có diện tích chưa đầy 10km2, xung quanh là biển. Mùa khô hạn này, những giếng nước sinh hoạt nằm sâu trong làng đã khô đáy, hoặc nhiễm mặn. Trong khi đó, cùng với giếng Rừng thì giếng Xó La ở thôn Đông (xã An Vĩnh), cách mép biển chưa đến chục mét, nhưng vẫn ăm ắp nước ngọt. Bà Trần Thị Được cùng con trai đang lấy nước ở giếng Xó La, bảo: "Mỗi sáng hai mẹ con mang 2 can nhựa, mỗi can 20 lít đến lấy nước về nấu ăn. Giếng trong làng đã nhiễm mặn. Nếu không có giếng nước này, tình trạng thiếu nước ngọt ở đảo càng trầm trọng hơn".

Cứ đến mùa hạn, mực nước biển tụt sâu, trong làng thiếu nước uống, người dân lại tìm đến giếng Xó La. Chuyện kể rằng, cách đây hàng trăm năm trước, quân Tây Sơn truy đuổi, vua Gia Long và tướng sĩ đã giong buồm đến Lý Sơn lánh nạn. Trong mùa khô hạn, trên đảo thiếu nước uống, nguồn nước hiếm hoi mang theo chỉ để cho vua dùng. Các tướng, binh sĩ đều thiếu nước uống, nên lả đi vì khát.

Trước tình cảnh này, vua đã ra lệnh tìm nguồn nước ngọt khắp nơi trên đảo, nhưng đều vô vọng. Vua đã khấn cầu thần linh phù hộ tìm nguồn nước thì trong một đêm, vua đã được báo mộng đào giếng Xó La. Giếng nước ngọt Xó La ra đời từ đó và tồn tại hàng trăm năm qua, đã "giải cứu" cho dân đất đảo trong mùa khô hạn. Giếng nước Xó La không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước cho dân quanh vùng mà còn là nơi mưu sinh của nhiều gia đình có cuộc sống khốn khó.

Hiện nay, huyện Lý Sơn đang có chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm, như không được đào giếng, đóng giếng; đồng thời huy động dân trồng cây lâu năm trên các triền núi để giữ độ ẩm cho đất, giữ nguồn nước cho các giếng khơi.


Bài, ảnh: MAI HẠ  

 


.