"Làm răng tìm cho được anh con về"

09:07, 05/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước lúc đi xa, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Trác, ở xã Phong An, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) luôn căn dặn con cháu:  “Thằng Lân vẫn còn nằm ở Quảng Ngãi. Các con làm răng tìm cho được anh con về”.

Giấy báo tử của liệt sĩ Hoàng Bá Lân ghi rõ “Đồng chí Lân đã hy sinh ngày 10 tháng 4 năm 1968 tại Quảng Ngãi. Nơi an táng: Chân đèo Chim Hót, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi”. Sau ngày giải phóng, gia đình của liệt sĩ Lân nhiều lần về Quảng Ngãi, hỏi thăm nhiều người và tìm kiếm khắp khu vực đèo Chim Hót (tên gọi khác là đèo Chim Hút), nhưng vẫn không tìm thấy hài cốt của anh.

Lời thúc giục của trái tim  

Liệt sĩ Hoàng Bá Lân sinh năm 1935, anh lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khi mới 19 tuổi. Liệt sĩ Hoàng Bá Lân nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 81-Tỉnh đội Quảng Ngãi. Khi hay tin anh Lân hy sinh, mẹ Trác đau nhói lòng, mong đợi một ngày nào đó đưa được hài cốt anh Lân về quê nhà. Nhưng rồi, suốt mấy mươi năm, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ Lân, và mẹ Trác đã không đợi được nữa...

  Thân nhân và đồng đội của liệt sĩ Hoàng Bá Lân thắp hương trước ngôi mộ được xác định là mộ đã chôn hài cốt  hai liệt sĩ Hoàng Bá Lân và Nguyễn Văn Dậy.
Thân nhân và đồng đội của liệt sĩ Hoàng Bá Lân thắp hương trước ngôi mộ được xác định là mộ đã chôn hài cốt hai liệt sĩ Hoàng Bá Lân và Nguyễn Văn Dậy.


Hành trình đi tìm kiếm hài cốt của liệt sĩ Hoàng Bá Lân dẫu vô cùng vất vả, kéo dài hàng chục năm trời, nhưng trong trái tim của các thế hệ con cháu và những người từng là đồng chí, đồng đội của liệt sĩ Lân vẫn luôn tin sẽ tìm được hài cốt của anh. PGS.TS Phan Văn Hòa-nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cháu gọi liệt sĩ Hoàng Bá Lân là cậu ruột bên vợ, tâm sự: “Chúng tôi đi tìm khắp ở đèo Chim Hút, tìm gặp các bác, các chú ngày trước chiến đấu cùng đơn vị với cậu để tìm kiếm. Hết lần này đến lần khác, dẫu chưa tìm được, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng, tin rằng cậu vẫn nằm đâu đó ở chân đèo này”.
 

Rơi nước mắt trước mộ đôi Cà Na

Khi nhận được tin báo của Ban liên lạc Tiểu đoàn Bộ binh 81, PGS.TS Phan Văn Hòa cùng những người thân trong gia đình vào lại Quảng Ngãi, thắp nén hương bên phần mộ mà ngày trước đề dòng chữ “Mộ đôi Cà Na” ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa), họ đã không cầm được nước mắt. Hai người em ruột của liệt sĩ Hoàng Bá Lân tuổi đã ngoài 70, ôm lấy phần mộ và bảo rằng: “Di nguyện của mẹ đã được thực hiện, chúng con sẽ đưa anh về”. Đối với liệt sĩ Nguyễn Văn Dậy, theo Ban biên lạc Tiểu đoàn Bộ binh 81, anh quê ở huyện Bình Sơn. Trước đây, gia đình có tìm kiếm hài cốt của anh, nay thì chưa liên lạc được với người thân.

Niềm vui không thể diễn tả bằng lời  

Trăn trở khi chưa tìm được hài cốt của đồng đội là liệt sĩ Hoàng Bá Lân, dù biết rằng anh nằm đâu đó ở quanh đèo Chim Hút, đại tá Phan Long Châu-nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ binh 81, bà Võ Thị Kim Thành- nguyên là cán bộ y tế và nhiều đồng chí cùng đơn vị nhiều lần lên đèo Chim Hút tìm kiếm.

Bà Võ Thị Kim Thành, người đã cùng với đồng đội trực tiếp chôn đồng chí Hoàng Bá Lân ở chân đèo Chim Hút cho biết: “Lần đó, thủ trưởng Lân cùng với anh Nguyễn Văn Dậy là trợ lý tác chiến và em Thành làm liên lạc, đi công tác đến đoạn tảng đá to ở chân đèo Chim Hút thì bị địch phục kích, cả ba đều hy sinh”.

Theo lời kể của bà Thành, ngày ấy vì điều kiện chiến tranh ác liệt đành phải chôn thủ trưởng Lân và anh Dậy trong cùng một ngôi mộ ở bên bìa một hố bom. Trải qua suốt mấy mươi năm, hố bom bồi lấp, người dân địa phương trồng tre ngay ở vị trí hố bom, nên những người lính năm xưa đã không nhận ra.

Mãi đến gần đây, khi các đồng chí trong Ban liên lạc Tiểu đoàn Bộ binh 81 gặp được ông Phạm Cung, ở thôn 1, xã Nghĩa Thọ, nguyên là cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH đầu tiên ở xã Nghĩa Thọ. Khi nghe ông Cung kể chính ông là người trực tiếp bốc hài cốt của hai liệt sĩ chôn ở chân đèo Chim Hút đưa vào nghĩa trang liệt sĩ xã, bà Thành và các đồng chí trong đơn vị đã không cầm được nước mắt. Ông Cung cho biết, trước đó, khi đang làm rẫy, ông cùng với những người đi rà sắt đã phát hiện hai hài cốt được chôn cất cùng với quân trang như mũ tai bèo, võng dù, sau này ông báo cáo chính quyền địa phương và  đưa hài cốt vào chôn cất ở nghĩa trang.
 

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.