Hộ nghèo linh đình tiệc "khủng"

05:07, 16/07/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Không chỉ ở thành phố, thôn quê mà ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi cả làng đỏ mắt mới tìm được vài hộ không phải là hộ nghèo, bây giờ cũng đang thịnh hành “mốt” tiệc tùng linh đình, khách đông, “cỗ to”.

TIN LIÊN QUAN

"Cỗ to" mới oách
 
Vô tình nghe lỏm câu chuyện của một người bán hàng di động lên vùng cao kể rằng, dân miền núi bây giờ đám cưới, tân gia, sinh nhật tổ chức rình rang đến cả 50, 60 mâm cỗ. Câu chuyện tưởng chừng ngược đời ấy, nhưng rất thật diễn ra ở hầu hết các xã ở các huyện miền núi.
 
Trên cung đường dốc gồ ghề đầy đá, sỏi lớn, chiếc xe lắc lư vượt dốc, đưa tôi lên xã Ba Vinh, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Tơ. Ba Vinh mùa này mưa nắng thất thường, mới hơn 12 giờ trưa đã có những cơn mưa bất chợt theo đám mây, bầu trời cứ xám xịt. Thỉnh thoảng, lại thấy những cụ già, em nhỏ oằn lưng gánh củi.
 
Trong vai thợ chụp ảnh dạo, thấy 4, 5 người đàn ông đang tụ tập uống rượu trước hiên một ngôi nhà lụp xụp ven đường ở xóm Nước Lã, tôi dừng chân hỏi thăm về những bữa tiệc khủng. Nhà cửa ở đây đa phần là nhà tạm, hiếm hoi lắm mới thấy một căn nhà khang trang.
 
 
Những bữa tiệc rình rang ở miền núi bây giờ là chuyện thường ngày.
Những bữa tiệc rình rang ở miền núi bây giờ là chuyện thường ngày.
 
 
Trong câu chuyện xởi lởi, một người đàn ông còn tỉnh táo nhất trong nhóm giới thiệu mình tên Rít, giọng lơ lớ nói: “Bây giờ miền núi ăn tiệc tùng có khi còn hơn cả dưới xuôi. Khách mời càng đông càng oách, đám cưới mời 50 đến 60 mâm, sinh nhật 20 đến 30 mâm, tân gia thì 30 đến 40 mâm”.
 
Tôi hỏi tiếp: "Khách ở đâu mà nhiều thế, tiền mừng đi bao nhiêu?”. “Biết ai thì mời hết. Người nghèo thì mừng 200.000, 300.000 nghìn đồng, nhiều chút thì 500 nghìn - 1 triệu đồng. Bữa trước thằng ở xóm bên nghèo xơ, bán bán keo non mừng sinh nhật cho cháu nó tới 1 cây vàng và 15 triệu, thấy khiếp!”- anh Rít tiếp lời.
 
Qua lời kể của anh Rít, tôi "sốc" với độ chịu chơi của người dân vùng cao. Tìm đến một chủ chuyên phục vụ dịch vụ nấu ăn tên Thanh, không tận tai nghe anh Thanh kể, có lẽ tôi sẽ không tin ở cái nơi hẻo lánh này lại thường xuyên có những bữa tiệc tiệc như vậy.
 
Anh Thanh cho hay, tuần nào anh cũng nhận được đơn đặt hàng. Ở đây các gia đình tổ chức tiệc tân gia, đám cưới 50 đến 60 mâm là chuyện thường, sinh nhật cũng đã đến vài chục mâm. Anh thường xuyên phải liên kết với một số các dịch vụ khác mới đủ số lượng khung trại, bàn ghế để phục vụ cho một bữa tiệc.
 
Rạp cưới được căng hết khoảng sân vườn rộng, che chắn ra cả đoạn đường liên thôn, liên xóm vài chục mét. Cỗ bàn bày la liệt thức ăn. Mỗi mâm như thế có giá từ 1,2 đến 1,3 triệu đồng. “Ở đây dọn 5- 6 món như dưới xuôi họ chê, phải 10 món hoành tráng”- anh Thanh bộc bạch.
 
Tôi tiếp tục rong ruổi đến xã Ba Điền, dừng chân trước căn nhà ngói khang trang trên đỉnh dốc đang trong giai đoạn hoàn thiện ở Làng Rêu, chị Trều, chủ nhân của ngôi nhà cho hay: Hai vợ chồng dự kiến tháng 8 âm lịch sẽ tổ chức tiệc tân gia khoảng 40 mâm cỗ. Mấy năm nay, cả làng đều tiệc tùng to như vậy. Có tháng nhận đến 10 cái thiệp mời, không có tiền đi không hết phải bỏ bớt.
 
Xưa dự cỗ cưới, tân gia, mọi người thường giúp lúa, gạo thóc, nay đa phần quy ra tiền. Dù giàu hay nghèo, gia đình cũng phải tính đến chuyện cỗ bàn tươm tất. 
 
“Đi ăn cúng, giỗ, mọi người mang theo một thùng bia Dung Quất chai 130.000 đồng kèm theo phong bì 150.000 đến 200.000 đồng”- chị Hòa, một chủ tiệm tạp hóa ở Làng Tương, xã Ba Điền vui vẻ nói.
 
Vui như đi ăn cỗ
 
Chẳng riêng gì ở xã vùng cao của huyện Ba Tơ mà ở các huyện miền núi khác như Sơn Hà, Sơn Tây, không chỉ những gia đình khá giả, mà hộ nghèo bây giờ cũng đua nhau tổ chức tiệc cưới, tân gia, sinh nhật để “đánh chén”, thậm chí là đám giỗ thuê dàn nhạc có cả người dân chương trình về hát hò.
 
Chuyện học sinh bỏ học nhiều ngày ăn sinh nhật, đám cưới, tân gia, đám giỗ cùng bố mẹ trở nên quá quen thuộc với giáo viên ở vùng cao. Tiệc tùng linh đình ở miền núi giờ như quy ước bất thành văn. 
 
Sinh nhật
Tổ chức sinh nhật hoành tráng đang là "mốt" ở vùng cao.
 
 
“Gia đình nào chưa có cơ hội đám cưới, tân gia thì tổ chức thôi nôi cho con đã đành, các cháu mười mấy tuổi cũng được bố mẹ bày vẽ tổ chức sinh nhật linh đình, có em nghỉ học cả vài hôm để ăn sinh nhật”.
 
Một cán bộ đang công tác ở xã Sơn Mùa, huyện vùng cao Sơn Tây hồn nhiên kể: Để có tiền mừng những bữa tiệc được tổ chức thường xuyên đến mức “bảo hòa” như thế, mọi người phải bán keo non, bán mì, bán lúa. 
 
Nhưng lạ thay, họ không thấy phiền phức, trái lại còn thấy vui khi được mời tiệc tùng. “Vui như đi ăn cỗ! Đến đó, mọi người ăn, uống bia, hát hò cho lại vốn”- anh Lanh, một người dân ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây hồ hởi nói. 
 
Chính quyền các địa phương luôn lồng ghép vào các cuộc họp tuyên truyền về lối sống tiết kiệm, tránh lãng phí vì bà con đa phần là hộ nghèo, không có quy định  nào cho phép phạt hành chính, thế nhưng nói như Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Nguyễn Anh Khoa, vì nhận thức của bà con còn rất thấp. 
 
Hầu hết đồng bào ở các huyện miền núi còn nghèo, có chút tiền đền bù, bán keo, bán mì, làm thuê, làm mướn họ lại tổ chức ăn nhậu tối ngày. Hết tiền, họ lại lên nương, lên rẫy, ra sông ra suối mò cá, mò tôm kiếm bữa ăn qua ngày.
 
Cái cơ bản là phải thay đổi được nhận thức của người dân, để cho họ thấy được như thế là lãng phí. Đó không hề là nhu cầu thực tế mà xuất phát từ cách suy nghĩ bắt chước, a dua, là gánh nặng với không ít hộ nghèo. 
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.