Cấp nước sinh hoạt cho hơn 90% hộ dân xã Nghĩa Thọ

04:07, 12/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ năm 2003 đến nay, xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) được đầu tư, xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt, tuy nhiên sau một thời gian ngắn sử dụng, hầu hết các công trình không phát huy tác dụng và bị bỏ hoang. Mới đây, 90% người dân địa phương đã có nước sạch sử dụng nhờ một công trình mới được đầu tư.

TIN LIÊN QUAN

Công trình nước sinh hoạt đầu tiên được xây dựng tại xã vào năm 2003, với kinh phí hơn 230 triệu đồng, do tổ chức Rudep tài trợ. Do thiết kế, xây dựng không hợp lý, kém hiệu quả, nên chỉ sau một thời gian ngắn công trình này phải bỏ hoang. Năm 2005, cũng từ nguồn vốn của tổ chức này, xã Nghĩa Thọ tiếp tục được đầu tư, xây dựng thêm hệ thống giếng khoan, bể chứa nước, nhưng vẫn không thể giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho hơn 360 hộ dân của địa phương.

Với thiết kế, xây dựng hợp lý, công trình nước sinh hoạt mới đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.
Với thiết kế, xây dựng hợp lý, công trình nước sinh hoạt mới đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả.


Ông Phạm Đồng, xóm Cây Gia, thôn 2 cho biết: “Chúng tôi ai cũng mong sẽ có nước sạch để dùng, nhưng nhiều công trình nước sạch lại không phát huy tác dụng. Đường ống thì sớm hư hỏng, không dẫn nước về tới từng xóm, còn giếng khoan thì không bơm được nước về các bể chứa, nên không có nước sinh hoạt”.

“Để cung cấp nước sinh hoạt cho ba xóm Cây Gia, Nước Ngọn, Phủ Lý, năm 2014 tổ chức Madison Quakers đã hỗ trợ vốn để khoan giếng. Nhưng sau đó, tất cả các giếng khoan này đều không đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ Phạm Vương cho hay.

Giữa năm 2016, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng một công trình nước sạch tại xã Nghĩa Thọ, với tổng vốn đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng. Công trình với đầy đủ các hạng mục như hệ thống ống dẫn, bể chứa, máy bơm nước nên bước đầu đã giải quyết nước sinh hoạt cho hơn 90% các hộ dân ở đây.

Theo ông Phạm Vương, trước khi xây dựng công trình, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã về khảo sát, tìm hiểu kỹ lưỡng mới tiến hành xây dựng. Hệ thống ống dẫn nước, đồng hồ nước cũng được lắp đến tận nhà và ý thức, trách nhiệm của người dân cũng như chính quyền được nâng cao, nên mang lại hiệu quả. “Chúng tôi đã thành lập đội tự quản, thường xuyên kiểm tra hệ thống dẫn nước để kịp thời sửa chữa nếu xảy ra sự cố. Đồng thời giao cho người dân quản lý và họ tự nguyện đóng tiền, để có nguồn kinh phí sửa chữa nếu gặp những hư hỏng nhỏ...”.

Bài, ảnh: MẠNH KHOA
 


.