Sống thấp thỏm ở vùng sạt lở

02:06, 28/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Chỉ một trận mưa giông lớn là ai cũng âu lo phập phồng, huống chi là vào mùa mưa lũ. Bởi lẽ nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Đất này hết sức lo lắng, vì những vết nứt chi chít phía trên đầu ngọn núi", Bí thư chi bộ thôn Tân Phú 1 Lê Quang Chín trăn trở về thực trạng cuộc sống của 48 hộ dân xóm Trũng Bầu, thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành).

TIN LIÊN QUAN

Sạt lở tăng dần theo các năm

Nhiều người dân cho biết, tình trạng sạt lở dưới chân núi Đất đã xuất hiện từ đợt lũ lớn năm 1999. Theo thời gian, những vết sạt lở xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi biện pháp chống sạt lở chỉ là thủ công như trồng cây giữ đất, chưa thể làm người dân an tâm.

"Vết tích" của những đợt sạt lở đất vẫn còn bám vào nhà dân ở xóm Trũng Bầu.


Ông Đoàn Cận, ngụ xóm Trũng Bầu chia sẻ: Độ dốc của núi Đất quá lớn. Trong khi hàng chục hộ dân định cư sát dưới chân núi. Nhiều năm trước còn có những tán rừng tự nhiên và lớp thực bì giữ đất. Còn bây giờ trên núi chỉ toàn cây keo. Nên mỗi khi có mưa to, lũ lớn là nước trên núi ồ ạt đổ thẳng xuống nhà dân.

Tình trạng sạt lở kéo dài theo các năm, khiến người dân ngày càng âu lo hơn. Đợt lũ năm 1999 đã làm sạt lở chân núi Đất, bồi lấp nhiều nhà cửa. Đến năm 2009, núi tiếp tục sạt lở và lớn nhất xảy ra vào năm 2013.

Bí thư chi bộ thôn Tân Phú 1 Lê Quang Chín, cho biết: Sau đợt mưa lũ năm 2013, trên núi Đất có nhiều vết nứt, độ sâu khoảng 1,5m, rộng từ 20-50cm, có nguy cơ sạt lở nặng bất cứ lúc nào. Vì quá lo lắng mà đã có 6 hộ dân phải tự di chuyển đến nơi khác để sinh sống. Những hộ còn lại ai cũng lo sợ, nhưng vì không có điều kiện chuyển đi nơi khác, nên đành sống tại khu vực này. Mong muốn lớn nhất của bà con là chính quyền xây dựng khu tái định cư (TĐC) để họ được chuyển về nơi ở mới, sớm được an cư lạc nghiệp.

 Vẫn đang chờ đợi

Tâm tư nguyện vọng của hầu hết các hộ dân ở xóm Trũng Bầu, thôn Tân Phú 1 là di dời đến nơi khác. Tuy nhiên, nhiều năm qua ước mơ đó vẫn chưa thành hiện thực. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh. Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hành Tín Tây Nguyễn Văn Như, kinh phí xây dựng một khu TĐC cho 48 hộ dân là quá lớn. “Bài toán” này xã, huyện không kham nổi.

Mới đây, UBND huyện cũng đã có tờ trình đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng khẩn cấp khu TĐC cho các hộ dân ở khu vực này. Sau khi có tờ trình, Chi cục Phát triển nông thôn đã  phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở, cũng như khảo sát khu vực xây dựng khu TĐC. Tuy nhiên, đến nay chính quyền và người dân vẫn đang phải chờ đợi.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


 


.