Nan giải thi hành án tín dụng ngân hàng - Kỳ 2: Bài toán cần gấp lời giải

10:06, 09/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù có nhiều cố gắng trong thực thi nhiệm vụ, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Kết quả THADS đạt tỷ lệ thấp, số lượng việc có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau còn nhiều... Đặc biệt, số việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị thi hành lớn, tăng về số việc và tính chất phức tạp...

 
Tình hình khó khăn trong thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đang là nỗi lo nhiều năm qua của ngành THADS tỉnh, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đua của ngành; tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng...
 
Việc ít, nhưng tiền nhiều
 
Có một thực trạng chung là, khi chúng tôi đề cập đến kết quả thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng thì lãnh đạo ngành THADS tỉnh đều không vui, vì việc thì ít, nhưng số tiền phải thi hành rất lớn, phức tạp.
 
Minh chứng cho điều này, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Tấn Nộ thông tin: “Tính đến quý II/2017, toàn ngành phải thi hành 219 việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tương đương với số tiền 452 tỷ (tròn số).
 
Số này chỉ chiếm 3,8% so với tổng số việc phải thi hành, nhưng số tiền thì chiếm đến 61%”. Điều đó cho thấy, việc thi hành án tín dụng, ngân hàng đang là bài toán nan giải của ngành THADS tỉnh. Trong quý II, ngành chỉ tổ chức thi hành được 19 việc, với số tiền 37 tỷ đồng, đạt 8,7% về số việc và 8,2% về số tiền. Như vậy, số việc còn phải thi hành là rất lớn với 200 việc, tương đương số tiền 415 tỷ đồng. 
 
Với Chi cục THADS huyện Bình Sơn, đến đầu tháng 5.2017, tổng số tiền phải thi hành án là 246 tỷ đồng, nhưng số tiền liên quan đến tín dụng, ngân hàng là 227 tỷ đồng của 14 việc, trong đó số tiền liên quan đến Công ty Hiệp Long hơn 186 tỷ đồng (tính thời điểm có quyết định thi hành án).
 
Còn Chi cục THADS TP.Quảng Ngãi, đến ngày 30.5 có 133 việc phải thi hành liên quan đến tín dụng, ngân hàng, tương đương với số tiền 172 tỷ đồng, chiếm 6% tổng số việc, nhưng số tiền thì chiếm 52% so với tổng số tiền phải thi hành... 
 
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là, theo ngành THADS tỉnh, số tiền liên quan đến tín dụng, ngân hàng phải thi hành rất lớn, nhưng số liệu cung cấp của một số ngân hàng thì con số đó rất nhỏ; một số lãnh đạo ngân hàng thì cho rằng, khoản nợ đó vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
 
Theo Trưởng Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi Phạm Thị Diễm Mỹ, số nợ chốt đến ngày 30.4 chỉ có 7,7 tỷ đồng (gốc 6,3 tỷ và lãi 1,4 tỷ). Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, cán bộ xử lý nợ của Vietcombank Quảng Ngãi thì không cung cấp số tiền nợ cụ thể, nhưng cho rằng số nợ tại ngân hàng là thấp nhất so với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. 
 
Tồn tại quá nhiều bất cập
 
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 104 của Luật THADS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, đối với trường hợp tài sản sau khi đã giảm giá lần thứ hai, nhưng không bán được do hết thời hạn đăng ký, không có người tham gia đấu giá hoặc bán đấu giá không thành thì bên được thi hành án (ngân hàng) có quyền nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án.
 
Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các ngân hàng không đồng ý nhận lại tài sản. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu nhận tài sản thì ngân hàng phải chịu thuế, phí thi hành án và các nghĩa vụ tài chính khác đối với tài sản. Do đó, cơ quan thi hành án phải tiếp tục hạ giá, bán đấu giá nhiều lần, làm cho vụ việc kéo dài nhiều năm.
 

 

Chủ khu nhà hàng- khách sạn Sơn Long (ở xã Tịnh Ấn Đông, TP. Quảng Ngãi) chưa chịu bán tài sản để thi hành án, vì cho rằng thẩm định giá của THADS TP. Quảng Ngãi thấp so với giá trị tài sản.
Chủ khu nhà hàng- khách sạn Sơn Long (ở xã Tịnh Ấn Đông, TP. Quảng Ngãi) chưa chịu bán tài sản để thi hành án, vì cho rằng thẩm định giá của THADS TP. Quảng Ngãi thấp so với giá trị tài sản.
 
Như Công ty sản xuất và thương mại NQN (Nghĩa Hành) có tài sản thiết bị máy móc được thẩm định hơn 1,7 tỷ đồng, nhưng sau 25 lần giảm giá nay còn 165 triệu đồng, nhưng không có người mua, dẫn đến việc thi hành án cho BIDV Quảng Ngãi kéo dài. Công ty Dược phẩm Hoàng Nguyên (KCN Quảng Phú) phải thi hành án cho Ngân hàng Việt Á hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó lô máy móc được thẩm định hơn 700 triệu đồng, nay giảm giá còn 60 triệu đồng, nhưng cũng chưa xử lý xong...
 
Mặt khác, khối lượng việc quá nhiều, phức tạp, nhưng số lượng chấp hành viên ít cũng làm ảnh hưởng đến kết quả thi hành án. Như ở Chi cục THADS TP.Quảng Ngãi chỉ có 8 chấp hành viên, nhưng khối lượng việc và tiền chiếm 1/3 của toàn ngành; có giai đoạn, một chấp hành viên phải chịu trách nhiệm thực hiện 500 việc.
 
Phó Giám đốc Vietinbank Quảng Ngãi Huỳnh Ngọc Sơn cũng chia sẻ điều này: “Do việc nhiều, nên một số việc có điều kiện thi hành án, nhưng chấp hành viên chưa tích cực. Cụ thể là, việc Công ty TNHH TMDV Nhật Vân phải thi hành án hơn 1 tỷ đồng từ năm 2013, nay còn nợ trên 600 triệu đồng.
 
Hay như vụ ông Lương Hồng Sơn ở Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi) đã phản ứng quyết liệt, vì cho rằng tài sản của ông trị giá hơn chục tỷ đồng, nhưng thi hành án chỉ thẩm định khoảng 7 tỷ đồng, dẫn đến khoảng nợ hơn 3 tỷ đồng từ năm 2012 đến nay chưa thi hành được”.
 
Không những thế, trong quá trình thẩm định, xác minh tài sản đảm bảo cho vay của một số ngân hàng vẫn chưa làm hết trách nhiệm. Như vụ Công ty Xây dựng Vĩnh Lộc có 3 tài sản gắn liền với nhau, nhưng khi thế chấp vẫn được 3 ngân hàng cho vay (nhà thì thế chấp cho Ngân hàng Đông Á, 2 lô đất thì thế chấp cho Ngân hàng Eximbank và Sài Gòn Thương Tín).
 
Sau đó Ngân hàng Eximbank khởi kiện và có quyết định thi hành án, nhưng không thi hành được, vì 2 ngân hàng còn lại chưa khởi kiện. Vụ việc giữa Ngân hàng Đại Dương với Công ty Hưng Phát (TP.Quảng Ngãi) cũng vậy. Tài sản thế chấp vay là thửa đất 500m2 ở phường Quảng Phú, khi cưỡng chế thi hành án thì trên thửa đất có 3 biệt thự mà không phải của chủ đất đứng tên vay vốn, nên chưa thể xử lý tài sản để thi hành án.
 
Công ty CP bao bì Việt Phú cũng được 3 ngân hàng cho vay bằng tài sản thế chấp của công ty là nhà xưởng, máy móc. Hiện nay, công ty phải thi hành án cho Ngân hàng Đại Dương 17,5 tỷ và 152.531,05 USD; Ngân hàng Đông Á gần 2,6 tỷ.
 
Tuy nhiên, do khoản vay tại BIDV 2,5 tỷ đồng chưa khởi kiện và còn nợ lương công nhân, BHXH, thuế... với số tiền khoảng chục tỷ đồng, nên gây khó khăn trong xử lý tài sản để thi hành án. Điều đó cho thấy, khi cho vay, ngân hàng chỉ thấy cái lợi trước mắt, không dự lường được hậu quả khi khách hàng không thể trả nợ.
 
Giải pháp cho thi hành án tín dụng, ngân hàng
 
Từ thực tế tổ chức thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phan Tấn Nộ đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong việc xử lý tài sản thế chấp, tìm cơ chế để ngân hàng nhận tài sản thế chấp đã sau hai lần giảm giá, nhưng không có người mua.
 
Cơ quan THADS và chấp hành viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật khi xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
 
Cũng theo ông Nộ, Bộ Tư pháp cần ban hành văn bản quy định đối với những trường hợp sau khi có kết quả thẩm định giá tài sản thế chấp đã kê biên, nếu có giá nhỏ hơn nhiều so với tổng số tiền phải thi hành án, thì số tiền chênh lệch còn lại không đủ để thi hành án được xác định là số tiền chưa có điều kiện thi hành.
 
Từ đó thống kê là việc chưa có điều kiện thi hành án một phần tương ứng với số tiền không đủ để thi hành án thì sẽ phản ánh đúng thực tế vụ việc. Triển khai được điều này sẽ giải được bài toán nợ xấu cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Mặt khác, các ngân hàng cần nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định tài sản đảm bảo cho vay. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý hoặc kiến nghị điều tra xử lý theo quy định pháp luật đối với những cán bộ tín dụng thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm tra tài sản đảm bảo cho vay.
 
Bởi lẽ, thực tế một số vụ việc khi cho vay vốn, ngân hàng thẩm định giá trị tài sản quá cao hoặc tài sản không rõ ràng để cho vay với số tiền lớn. Đến khi cơ quan THADS xử lý tài sản thế chấp thì giá trị tài sản còn lại rất thấp hoặc không có, làm ảnh hưởng đến hiệu quả tổ chức thi hành án. Đối với tòa án, cần khắc phục tình trạng một số bản án, quyết định của tòa tuyên chưa rõ ràng, gây khó khăn và làm chậm quá trình tổ chức thi hành án.
 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh Quảng Ngãi và các tổ chức tín dụng khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện chặt chẽ khâu thẩm định tài sản đảm bảo cho vay; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự trong tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; xem xét có phương án nhận lại tài sản đã bán đấu giá nhiều lần, nhưng không có người mua để khấu trừ tiền phải thi hành án... Sở TN&MT có biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp tẩu tán tài sản, nhằm trốn tránh việc thi hành án... Sở Tư pháp tăng tường thanh tra, kiểm tra các hoạt động bán đấu giá tài sản liên quan đến thi hành án dân sự...

Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG.

 

P.Đức-P.Triều
 
 

.