Mái ấm gia đình

07:06, 27/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gia đình là tế bào của xã hội. Văn hóa gia đình là nền tảng để nuôi dạy con cháu biết sống trọn vẹn đạo nghĩa với ông bà, cha mẹ... góp phần xây dựng mái ấm gia đình và quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng, sự tôn trọng giá trị ứng xử từ gia đình truyền thống: Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt đó là, gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngay trong mỗi một gia đình.

Nếp nhà

Ông Bùi Tá Tiên thuộc đời thứ 13 của dòng dõi Bùi Tá Hán ở tổ 1, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) năm nay đã bước sang tuổi 80. Với ông, tuổi già đôi lúc tính khí thất thường, nhưng các con vẫn không có lời nặng nhẹ mà chăm sóc ông bằng cả tình yêu thương, bằng đạo nghĩa của người làm con.

Có được điều đó là do gia đình ông luôn biết cách xây dựng, gìn giữ và vun đắp cho nếp nhà ngày càng vững chãi. Đó là phải chăm lo sức khỏe, lo cho con ăn học và dạy cho con hiểu rõ nền nếp gia phong, biết suy nghĩ, hiểu rõ đạo làm người, nghĩa vợ chồng, đạo làm con...

 Ông Bùi Tá Tiên (đứng trước) luôn lấy niềm tự hào về ông tổ họ Bùi để khuyên dạy con cháu.
Ông Bùi Tá Tiên (đứng trước) luôn lấy niềm tự hào về ông tổ họ Bùi để khuyên dạy con cháu.


Ông Tiên kể, sau ngày giải phóng, ở phường nhà cửa thưa vắng, các con ông lần lượt lớn lên trong thiếu thốn. Người con đầu của ông có ý muốn bỏ học nửa chừng, để phụ giúp cha mẹ. Ông Tiên vui vì con còn nhỏ mà đã biết hiếu thuận với cha mẹ, biết lo lắng cho gia đình. Nhưng với trách nhiệm của người làm cha, ông hiểu rằng, muốn đứng vững giữa cuộc đời này thì các con phải biết chữ.

Thế là, ông đã lấy tấm gương ông tổ họ Bùi để khuyên dạy các con. Ông dẫn chứng từ cuộc sống khó khăn của gia đình mà làm nhà thiếu cột, đóng chiếc bàn thiếu chân, để dạy cho các con hiểu về bài học nhân sinh cuộc sống. Nhà không có cột, bàn không có chân sẽ khó đứng vững. Con người cũng vậy, không có chữ sẽ luôn gặp khó trong cuộc sống, thiếu cách ứng xử, đạo nghĩa làm người.

Dần theo thời gian, các con ông đã hiểu và phấn đấu học hành. Người học ra trường dìu dắt đứa sau, lần lượt 5 người con của ông bước qua ngưỡng cửa đại học, có người học đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và có việc làm ổn định. Giờ đây, ông bà ở tuổi xưa nay hiếm luôn được các con ông chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo, bà con trong tổ dân phố đều khen ngợi nếp nhà của gia đình ông.

Phát huy giá trị văn hóa gia đình truyền thống

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay đã có những tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Nhiều gia đình không còn sống chung nhiều thế hệ, quy mô gia đình ngày càng nhỏ. Người già trở nên cô đơn, sống tách biệt với con cháu. Một số gia đình vì cuộc sống khó khăn, nhiều thế hệ sống chung trong một mái nhà nên không tránh khỏi những xung đột, làm mất đi nền nếp gia phong và những điều tốt đẹp của gia đình.

Một số người trẻ không còn giữ được đạo lý truyền thống của gia đình Việt Nam, chạy theo lối sống ích kỷ, thực dụng, đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần... Trong quan hệ giữa ông bà, con cháu cũng xuất hiện những xung đột và xích mích. Nhiều người không quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, dẫn đến những mối quan hệ trong gia đình bị rạn nứt. Tỷ lệ gia đình trẻ ly hôn có xu hướng ngày một gia tăng.

Thuở nhỏ, trong từng nếp nhà, chúng ta đã nghe những câu ca bà dạy, mẹ khuyên như: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Rồi lớn thêm một chút, chúng ta được dạy về cách ứng xử trong cuộc sống, đạo đức làm người: “Kính trên, nhường dưới”; “Chị ngã, em nâng”; “Lá rách ít, đùm lá rách nhiều”; hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ... này luôn hiện diện trong những nếp nhà truyền thống.

Từ những mái nhà đó đã sản sinh, hun đúc, hình thành nhân cách biết bao con người Việt Nam sống nghĩa tình, đoàn kết, cùng nhau đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp như ngày hôm nay.

Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát huy giá trị văn hóa gia đình truyền thống, xây dựng, phát triển văn hóa gia đình trong xã hội đương đại, hướng tới xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, các cấp, ngành cần tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của gia đình truyền thống kết nối với gia đình hiện đại, trong đó yếu tố ý thức của mỗi thành viên trong gia đình là yếu tố hết sức quan trọng.

Giải quyết những thách thức, khó khăn trong công tác gia đình; giáo dục các thành viên trong gia đình về tình yêu quê hương, đất nước, đức hy sinh, lòng vị tha và nhân ái; ứng xử văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại, góp phần xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.