Ồ ạt xây dựng khách sạn, nhà nghỉ ở Lý Sơn: Nguy cơ cung vượt cầu

02:05, 25/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 3 năm trở lại đây, số lượng nhà nghỉ, khách sạn được xây mới ở Lý Sơn tăng đột biến. Đó là chưa kể nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay. Việc tư nhân mạnh dạn bỏ tiền tỷ đầu tư để đáp ứng nhu cầu phát triển là tốt. Tuy nhiên, với số lượng hàng trăm phòng nghỉ đang có và tới đây nhiều nhà đầu tư tiếp tục đầu tư thêm khách sạn, khiến cho nguy cơ “cung vượt cầu”.

TIN LIÊN QUAN

Ồ ạt xây dựng nhà nghỉ, khách sạn

Kể từ năm 2014, khi Lý Sơn chính thức có điện quốc gia cũng là lúc khách du lịch tăng mạnh, dẫn đến nhu cầu sử dụng phòng nghỉ tăng cao. Nhận thấy lợi thế kinh doanh dịch vụ mới mẻ này, rất nhiều người dân huyện đảo và doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà nghỉ, khách sạn phục vụ du khách.

Ông Phan Minh Chuông (xã An Vĩnh) là người "liều" nhất huyện đảo, khi mạnh dạn thuê đất xây khách sạn mang tên Central Lý Sơn sát bên cầu cảng. Là ngư dân quanh năm đánh bắt thủy sản trên biển, nhưng nhận thấy lượng du khách tham quan đảo tăng mạnh, nhưng lượng nhà nghỉ, khách sạn lại hạn chế, nên ông Chuông bàn với gia đình đầu tư xây dựng khách sạn.

 Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ được đầu tư xây dựng ở Lý Sơn trong khi lượng du khách dần ổn định, đang khiến cho nguy cơ cung vượt cầu xảy ra.
Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ được đầu tư xây dựng ở Lý Sơn trong khi lượng du khách dần ổn định, đang khiến cho nguy cơ cung vượt cầu xảy ra.

“Tôi vay mượn bạn bè, bà con và vốn liếng tích góp cả đời ngư phủ được tổng cộng 23 tỷ đồng và xây khách sạn. Ban đầu nghe tôi đầu tư chừng ấy tiền xây khách sạn 3 tầng ngay mép biển, ai cũng bảo tôi điên chứ kinh doanh nỗi gì. Nghe họ nói mình cũng lo lắm, nhưng đã quyết là làm và từ 2015 đến nay lượng khách lưu trú vẫn đều đặn”, ông Chuông nói.

Ngay từ cầu cảng Lý Sơn, hình ảnh đập vào mắt du khách là hàng chục nhà nghỉ, khách sạn mọc lên san sát và hầu hết rất hiện đại. Bà Trần Thị Phường - chủ 2 nhà nghỉ Tiên Tri 1 và Tiên Tri 2 cho biết, trước kia bà kinh doanh xăng dầu, nhưng nhận thấy lợi thế từ kinh doanh nhà nghỉ, nên bà quyết định đầu tư nhà nghỉ Tiên Tri 1.
 
“Sau Tiên Tri 1, thấy khách tham quan đảo tăng mạnh, tôi quyết định “đóng cửa” cây xăng cạnh cầu cảng và lấy quỹ đất xây thêm nhà nghỉ Tiên Tri 2. Tiền đầu tư lớn lắm, nhưng hy vọng lượng khách ổn định như những năm trước”, bà Phường chia sẻ.

Đi dọc trục đường chính của huyện đảo là hàng loạt công trình nhà nghỉ hiện đại mọc lên còn thơm mùi sơn. Lâu lâu lại bắt gặp một số công trình nhà nghỉ, khách sạn đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào khai thác đón du khách trong mùa du lịch.

Nguy cơ cung vượt cầu

Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, tính đến nay toàn huyện có 6 khách sạn, 34 nhà nghỉ và 64 nhà nghỉ dịch vụ homestay với tổng lượng phòng nghỉ lên đến hơn 600 phòng, đủ đáp ứng cho khoảng 2.000-2.200 du khách/ngày. Việc người dân, doanh nghiệp đổ tiền tỷ đầu tư khách sạn, đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch và chỉnh trang huyện đảo là điều đáng mừng.
 
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Nghĩa - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Lý Sơn, việc người dân, doanh nghiệp đầu tư xây khách sạn, nhà nghỉ với nhiều nhà cao tầng có nguy cơ phá vỡ kiến trúc cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Quan điểm của huyện là hạn chế xây dựng công trình cao tầng, bê tông cốt thép, phát huy mô hình du lịch cộng đồng homestay.

Ông Nguyễn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, lượng khách tham quan đảo trong quý I/2017 thấp hơn cùng kỳ năm 2016 do nhiều nguyên nhân, trong đó có thời tiết bất lợi, nhưng quan trọng hơn hết là vấn đề thu hút, quảng bá du lịch chưa tốt.
 
Đồng thời, lượng du khách đến đảo hiện nay hạ nhiệt so với một hai năm trước, nên nhu cầu sử dụng nhà nghỉ, khách sạn cũng có hạn mức nhất định. “Lượng nhà nghỉ, khách sạn chừng này là đủ, còn việc xây dựng thêm là không nên mà phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ốc.

 Dù chưa khủng hoảng thừa, nhưng cần phải hạn chế bớt để tránh tình trạng đầu tư tiền tỷ, nhưng thua lỗ. Người dân, doanh nghiệp cần phải tính toán cẩn thận để tránh bước đi sai lầm trong đầu tư kinh doanh dịch vụ này, bởi khi đầu tư xây dựng quá nhiều mà lượng khách chỉ có chừng ấy thì cung ắt sẽ vượt cầu”, ông Thanh cảnh báo.


Bài, ảnh: Ngọc Quang

 


.