Hơn 3.000 hộ dân Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi): Mỏi mòn chờ nước sạch

09:05, 18/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 2.000 hộ dân của xã Nghĩa An và hơn 1.000 hộ dân của xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) đang đối diện với nỗi lo về sức khỏe, khi hằng ngày phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm bẩn nặng, đặc biệt là vào mùa khô.

TIN LIÊN QUAN

Trong khi đó, hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Nghĩa An, Nghĩa Phú có tổng mức đầu tư hơn 5,8 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng giữa năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa cung cấp nước sạch cho người dân.

Lo lắng vì nước ô nhiễm

Là xã vùng ven biển, mạch nước ngầm của Nghĩa An phần lớn bị nhiễm mặn, nên việc tìm nguồn nước ngọt để sử dụng rất khan hiếm. Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Võ Thị Lệ Thu cho biết: Toàn xã có hơn 4.000 hộ dân, trong đó hơn 2.000 hộ ở 4 thôn: Phổ Trường, Phổ Trung, Phổ An và Tân An nằm trong vùng thiếu nước sinh hoạt.

Người dân Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) chật vật tìm nước sạch để sinh hoạt hằng ngày.
Người dân Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) chật vật tìm nước sạch để sinh hoạt hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Thùy Thơi, nhà nằm ngay cạnh nghĩa địa ở thôn Phổ Trung, có nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm bẩn nặng nhất của xã cho biết: “Người dân rất khổ do thiếu nước sinh hoạt, chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm nay, nhưng chưa giải quyết được”.  Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hộ dân có điều kiện thì mua máy lọc nước về dùng (khoảng 5 - 6 triệu đồng/máy); còn nhà nào khó khăn thì vẫn dùng nước bơm từ giếng khoan lên.

Chúng tôi đến nhà chị Trần Thị Xê ở thôn Tân An, khu vực bị nhiễm mặn khá nặng. Đưa chúng tôi ra giếng nước nơi gia đình thường dùng, bà Xê bức xúc: Nước nhiễm mặn thế này gia đình tôi không thể tắm giặt, huống chi dùng uống. Hằng ngày, gia đình phải đi xin nước một số hộ ở xa ít bị nhiễm mặn về dùng.

Tại xã Nghĩa Phú cũng có khá nhiều giếng nước của dân bị nhiễm mặn. Để có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhiều gia đình tự bỏ tiền đầu tư bể lọc khử phèn, khử mặn, nhưng vẫn không khắc phục được. Vì thế, một một số gia đình phải mua bình nước lọc sẵn về uống và nấu ăn, còn nước giếng chỉ để tắm giặt. Xã Nghĩa Phú hiện có gần 1.300 hộ dân ở các thôn Cổ Lũy Nam, Cổ Lũy Làng Cá, phía bắc của thôn Cổ Lũy Bắc Vĩnh Thọ có nguồn nước nhiễm mặn nặng nhất.

Bao giờ mới có nước sạch?

Đó là câu hỏi của nhiều gia đình ven biển phía đông TP.Quảng Ngãi. Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Võ Thị Lê Thu cho hay, xã đã kiến nghị với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa đưa công trình vào vận hành, trong khi người dân tích cực tham gia giải phóng mặt bằng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án "bị tắc" ở giai đoạn cuối, do người dân xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) phản đối việc khoan giếng (công trình đầu mối) tại địa phương, dù rằng trước khi khởi công xã này đã đồng ý. Lý do mà người dân Nghĩa Hà chưa đồng ý theo chính quyền địa phương là sợ khi khoan giếng tại đây sẽ làm hao hụt mạch nước ngầm, không có nước để tưới, sinh hoạt; hóa chất trong đất sẽ thẩm thấu vào mạch nước... làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trước đó, theo nguyện vọng của người dân, nếu triển khai dự án trên thì chính quyền cần xây dựng tuyến kênh N621 để người dân thuận tiện sản xuất. Yêu cầu này đã được giải quyết, hiện dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Thế nhưng, khi tiến hành đặt máy khoan giếng thì dân lại ngăn cản. Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Lê Văn Minh, cho biết: “Mới đây, người dân  Nghĩa Hà đồng ý cho khoan ở khu vực núi Vàng, nhưng sau đó lại ngăn cản, yêu cầu chuyển ra gần sông Trà Khúc. Hiện nay, trung tâm đang khoan thăm dò và gửi mẫu nước để xét nghiệm, nhưng xét về vị trí địa lý thì khu vực này không hợp lý”, ông Minh nói.

Được biết, từ khi triển khai công trình đến nay, chính quyền thành phố và cơ quan chức năng đã có hàng chục cuộc họp với người dân xã Nghĩa Hà, nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, nên công trình vẫn phải nằm chờ.


  Bài, ảnh: KN



 


.