Nỗi đau tai nạn lao động

06:04, 24/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tai nạn lao động đã và đang trở thành nỗi đau dai dẳng, bởi hậu quả nó để lại là vết thương về thể xác, tinh thần và cả gánh nặng mưu sinh cho mỗi gia đình.

Nỗi đau người ở lại

Tháng 5.2016, anh Lê Văn Nga (47 tuổi), ở thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) là công nhân hợp đồng thời vụ của Công ty TNHH Giấy Phú Mỹ, trong lúc bốc vác gỗ keo từ xe xuống, do bất cẩn đã bị cây gạt ngã xuống đất bị thương, sau đó tử vong. Anh Nga ra đi bỏ lại người vợ và 2 đứa con nhỏ với nỗi đau khôn nguôi cho gia đình.

Gần tròn năm trôi qua, nhưng chị Đoàn Thị Hường, vợ anh vẫn chưa thể vượt qua được nỗi đau ấy. “Không còn anh là một mất mát lớn với mẹ con tôi, sẽ mất rất lâu tôi mới có thể gượng dậy và thay thế được vai trò của anh ấy trong gia đình, với các con”, chị Hường tâm sự.

Làm việc trong môi trường thế này, nếu không tuân thủ các quy định sẽ dễ dẫn đến bị tai nan lao động.
Làm việc trong môi trường thế này, nếu không tuân thủ các quy định sẽ dễ dẫn đến bị tai nan lao động.


Tai nạn lao động luôn rình rập và chẳng ai có thể đoán được nó có đến với mình hay không. Chỉ cần sơ sẩy trong một tích tắc đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình và để lại sau lưng là biết bao nỗi đớn đau cho người thân. Chị Lê Thị Lang ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) cũng đột ngột tử nạn khi đang làm việc thời vụ cho Công ty CP Quảng Phúc ở xã Bình Nguyên. Anh Phan Thanh Tâm- chồng chị, dường như vẫn chưa tin là vợ mình không còn trên đời. Anh bảo: “Giờ gắng gượng nuôi con, vừa làm cha, vừa thay chị làm mẹ. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khốn khó hơn”.
 

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 78 vụ tai nạn lao động làm 11 người chết, 18 người bị thương nặng. Tuy nhiên, con số trên mới chỉ là báo cáo của 45 doanh nghiệp trong tổng số hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gửi về Sở LĐ-TB&XH.

Những trường hợp bị tai nạn lao động được doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội hỗ trợ một phần chi phí. Tuy nhiên, đối với những lao động tự do, không có hợp đồng lao động, khi không may xảy ra tai nạn sẽ chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi.

Lực lượng kiểm tra còn mỏng

Theo ông Nguyễn Công Minh- Trưởng Phòng Việc làm- An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), trong năm 2016, Sở đã tổ chức kiểm tra 80 đơn vị chủ sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Tính đến đầu tháng 4.2017, Sở cũng tiếp tục kiểm tra việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động tại 20 đơn vị trên địa bàn.

Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vi phạm về an toàn lao động, phổ biến nhất là không huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động; không kiểm định kỹ thuật an toàn, không bồi dưỡng cho người lao động khi làm việc trong môi trường độc hại, không quan trắc môi trường lao động, cũng như chưa khám sức khỏe định kỳ bệnh nghề nghiệp cho người lao động...

Theo ông Minh, do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng, nên việc kiểm soát an toàn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Toàn tỉnh có hàng nghìn doanh nghiệp, nhưng hằng năm việc kiểm tra mới dừng lại khoảng dưới 100 đơn vị.

Ông Minh cho biết thêm, để giảm thiểu tai nạn lao động, cả doanh nghiệp, người lao động và các đơn vị quản lý phải cùng chung tay. Đối với doanh nghiệp, cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, tăng cường đầu tư kinh phí để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động...

Người lao động phải nâng cao nhận thức về quyền của mình trong an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bảo hộ lao động, lối thoát hiểm theo đúng quy định, tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động trong vận hành, sản xuất để tự bảo vệ mình.
 

Bài, ảnh: KN

 


.