Ẩn họa từ xe thô sơ chở vật liệu xây dựng

02:04, 04/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các loại xe thô sơ chở vật liệu xây dựng (VLXD) hoạt động trên khắp các tuyến phố, gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông.
    
Hết mùa mưa, cũng là thời điểm bước vào “mùa” xây dựng. Đây là lúc những người sử dụng xe thô sơ chở VLXD hành nghề. Nhiều tuyến đường tập trung các cửa hàng bán VLXD như Quang Trung, Hai Bà Trưng... (TP.Quảng Ngãi) là nơi xuất phát của nhiều chiếc xe thô sơ. Những chiếc xe máy được biến tướng từ 2 bánh lên 4 bánh, trực sẵn ở các cửa hàng bán VLXD, sẵn sàng chở hàng khi có người thuê.

Xe máy chở vật liệu xây dựng tại một cửa hàng nằm trên đường Quang Trung (TP.Quảng Ngãi).
Xe máy chở vật liệu xây dựng tại một cửa hàng nằm trên đường Quang Trung (TP.Quảng Ngãi).


Ông T.V.Đ, một người hành nghề này cho biết, sở dĩ các loại xe máy cơi nới để chở VLXD vẫn luôn được các chủ đại lý, hoặc người dân có nhu cầu thuê, vì xe di chuyển được trên nhiều tuyến đường, các con hẻm nhỏ. Chi phí vận chuyển lại tương đối rẻ so với các phương tiện khác. Vào mùa nắng, mỗi ngày ông Đ chạy khoảng chục chuyến. Trừ hết chi phí kiếm được khoảng 200 nghìn đồng. Còn mùa mưa thì ế ẩm, nên ông chuyển sang nghề khác để mưu sinh.

Những loại vật liệu được chở trên các chiếc xe thô sơ  như tôn, sắt... có chiều dài từ 5- 7m, chiều rộng khá lớn, hiện diện trên các tuyến phố, từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông.

Một chủ cửa hàng bán VLXD nằm trên đường Quang Trung, cho biết: "Cửa hàng chỉ bán VLXD, còn việc vận chuyển là do khách hàng tự thuê phương tiện. Chúng tôi cũng có nghe thông tin, xe thô sơ chở tôn gây tai nạn chết người. Vì vậy chúng tôi cũng thường khuyên những người hành nghề dùng xe máy chở VLXD, nên dùng bao bịt hai đầu tấm tôn, sắt nhọn và chạy chậm hơn để giảm thiểu nguy hiểm cho người tham gia giao thông".

Đa số người dùng xe thô sơ làm phương tiện mưu sinh là những người thu nhập bấp bênh. Họ vẫn ý thức được việc “biến tướng” cho xe máy để chở VLXD là vi phạm Luật Giao thông, nhưng vẫn phải hành nghề, vì đó là sinh kế.

Ngồi đợi chủ cửa hàng gọi vận chuyển hàng, anh N.V.T, người có hơn 5 năm hành nghề này cho biết, anh từng bị lực lượng chức năng xử lý khi chở VLXD không đảm bảo an toàn. Sau đó, nghỉ được vài hôm, rồi lại tiếp tục bám nghề. Biết cơi nới chở hàng như vậy là phạm luật, nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn, nên anh đành chịu.

Theo Đội phó Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP.Quảng Ngãi Trương Quang Nghĩa, trong 3 tháng đầu năm, đơn vị đã xử phạt 23 trường hợp xe máy thô sơ cơi nới chở vật cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông với số tiền trên 8 triệu đồng. Việc phát hiện các loại xe này vi phạm không khó, vì họ hành nghề trên nhiều tuyến đường của thành phố. Song, vì đa số họ là người nghèo, phương tiện là “cần câu cơm”, nên việc xử lý cũng có phần du di.

Theo Nghị định 46 của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thô sơ xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Đây là mức phạt tương đối nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe.

Cùng quan điểm này, Đại úy Huỳnh Phước Huy - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, xử lý, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an tỉnh cho biết, trong năm 2016, đơn vị cũng chỉ xử lý 6 trường hợp người điều khiển xe mô tô 3 bánh chở hàng cồng kềnh... vi phạm Luật Giao thông. Còn từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị chưa xử lý trường hợp nào. Làm thế nào để họ vẫn hành nghề, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông, thì cần những giải pháp căn cơ hơn.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN



 


.