Xã hội hóa đầu tư nước sinh hoạt ở nông thôn: Còn nhiều khó khăn

05:03, 03/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sinh hoạt ở nông thôn là chủ trương được Nhà nước và tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện trong thời gian qua. Song, trên thực tế, việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng...

TIN LIÊN QUAN


Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn trong tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh phải đạt 95%, trong đó, có 50% sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế. Do vậy, chủ trương của Chính phủ, cũng như của tỉnh từ nay đến năm 2020 là đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sinh hoạt ở nông thôn.

Đến năm 2020, tỉnh phải đạt mục tiêu 95% người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng đến nay, việc kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Đến năm 2020, tỉnh phải đạt mục tiêu 95% người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng đến nay, việc kêu gọi xã hội hóa lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.


Để tạo cơ sở pháp lý, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác, quản lý và kinh doanh các công trình, dịch vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh đã ban hành quy chế về đầu tư, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trên tinh thần Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, tỉnh cũng sẽ ưu đãi về đất đai, về thuế, về giá tiêu thụ nước sạch và sẽ dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ từ 45 - 90%  tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt là những công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Song, đã 8 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131; 2 năm kể từ ngày tỉnh ban hành Quyết định 14 về quy chế về đầu tư, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn, đến nay, tỉnh vẫn chưa có công trình cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn nào được xây dựng từ nguồn xã hội hóa.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn, nhận định: "Sở dĩ các tổ chức, cá nhân vẫn chưa quan tâm lắm đến việc đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn là vì kinh phí đầu tư, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt khá lớn, trong khi đó, thu nhập của người dân nông thôn còn thấp, nên việc thu được tiền sử dụng nước của người dân cũng là vấn đề nan giải.

Ngoài ra, mặc dù được hưởng hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, nhưng đối với các công trình đầu tư không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, có khả năng thu đủ chi phí, tính đúng, tính đủ theo quy định, thì phải hoàn trả ngân sách bằng khấu hao cơ bản tài sản cố định. Đây cũng là một trong những vướng mắc khiến tổ chức, cá nhân “ngập ngừng” khi tham gia xã hội hóa".

Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực nước sinh hoạt nông thôn hạn chế so với trước, việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn. Trong tổng số 483 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, chỉ có 135 công trình hoạt động bền vững, 164 công trình hoạt động trung bình, 59 công trình hoạt động kém hiệu quả, 125 công trình không hoạt động, nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp và thanh lý. Vì vậy, song song với kêu gọi xã hội hóa, tỉnh cần sớm ưu tiên, bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình này, để có thể đảm bảo mục tiêu 95% dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2020”.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh LÊ VĂN MINH

 


Bài, ảnh: Ý THU


 


.