Tư vấn pháp luật

06:03, 14/03/2017
.

Bà Trần Thị Hòa, huyện Mộ Đức hỏi: Mẹ tôi và con gái của dì tôi ở cạnh nhà nhau và có mâu thuẫn, sau đó nhờ thôn tổ chức hòa giải nên mẹ tôi đã làm một bản thỏa thuận sẽ để lại phần tài sản thừa kế là 100m2 đất cho con của dì với điều kiện là người này phải rút đơn kiện và giao cho mẹ tôi số tiền là 30 triệu đồng. Văn bản thỏa thuận này cả 2 bên đã ký và đã có nhiều người làm chứng (không có công chứng).

Ngoài ra, trước mặt nhiều người và người con của dì, mẹ có nói miệng là thỏa thuận này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 tháng, người này phải giao đủ số tiền 1 lần là 30 triệu và xây hàng rào ngăn cách, người con của dì cũng đã đồng ý ngay lúc đó. Nhưng quá 3 tháng người con của dì không công chứng được giấy tờ, không giao đủ số tiền cũng như không xây hàng rào ngăn cách. Vì thế, mẹ tôi cũng không thực hiện thỏa thuận nữa.  Xin hỏi việc mẹ tôi không thực hiện thỏa thuận trên có đúng hay không và người con của dì có thể kiện mẹ tôi lại được không?

Trả lời:

Giữa mẹ bà và người con của của dì bà đã có thỏa thuận về việc phân chia phần tài sản thừa kế là 100m2 đất cũng như việc con của dì bà phải rút đơn khởi kiện, giao cho mẹ bà số tiền là 30 triệu đồng. Thỏa thuận này đã được hai bên lập thành văn bản.

Sau khi văn bản thỏa thuận này được hai bên ký kết thì giữa mẹ bà và người con của dì bà có thỏa thuận bằng miệng về thời gian thực hiện nghĩa vụ của hai bên. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó” và “Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.”. Như vậy, mẹ bà và người con của dì bà đã lập văn bản thỏa thuận với nhau. Do đó, khi muốn thỏa thuận bổ sung về thời gian thực hiện thì việc thỏa thuận bổ sung này cũng phải được lập thành văn bản. Thỏa thuận bằng miệng như vậy là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Khi đã thỏa thuận thì mẹ bà phải có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp mẹ bà không thực hiện thỏa thuận mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của con của dì bà thì người đó hoàn toàn có quyền khởi kiện mẹ bà đến Tòa án có thẩm quyền.

Luật gia LAN ANH
 


.