Người dân còn e ngại nộp hồ sơ qua mạng

10:03, 02/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau năm đầu tiên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó tỉnh khuyến khích người dân giải quyết hồ sơ, giấy tờ thông qua mạng internet. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ đi theo “kênh” này vẫn còn rất hạn chế.

TIN LIÊN QUAN

Tỷ lệ nộp hồ sơ qua mạng khiêm tốn

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là một trong những giải pháp khá hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính. Bởi qua đó giúp người dân ít đi lại, giảm tốn kém, không phải tiếp xúc với cơ quan thẩm quyền nhiều lần, nhưng vẫn giải quyết được hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người dân, tổ chức nộp hồ sơ qua mạng vẫn còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do người dân chưa thực sự am hiểu cách làm mới mẻ này.

 

Người dân còn e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên phải trực tiếp mang hồ sơ đến các cơ quan nhà nước để được giải quyết.
Người dân còn e ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên phải trực tiếp mang hồ sơ đến các cơ quan nhà nước để được giải quyết.

Tại Phòng một cửa (UBND TP.Quảng Ngãi), theo khảo sát của phóng viên Báo Quảng Ngãi, hầu như ngày nào cũng đông người đến nộp hồ sơ và giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp. Khi được hỏi sao không nộp hồ sơ giải quyết bằng hình thức trực tuyến, bà Lê Thị Thủy, phường Trương Quang Trọng bảo, bà chưa nghe nói gì đến dịch vụ công trực tuyến này. “Kể từ khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, tôi vẫn đến phòng một cửa của thành phố làm hồ sơ. Tận tay mình mang hồ sơ lên, tận tai nghe cán bộ hướng dẫn mà nhiều lúc chưa nắm hết và phải bổ sung nhiều lần. Nếu nộp hồ sơ qua mạng, tôi sợ hồ sơ thất lạc và quá trình giải quyết có vướng mắc sẽ không được trao đổi trực tiếp, sẽ mất nhiều thời gian hơn. Vì vậy nếu có dịch vụ này, tôi vẫn nộp hồ sơ tận tay cho chắc ăn”, bà Thủy bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Hoài, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), cho biết, do lớn tuổi, nên việc tiếp cận công nghệ khó khăn. “Tôi không rành về thủ tục, nên phải đến tận nơi để được hướng dẫn. Ngoài ra, nhà không có máy móc, tôi cũng không biết sử dụng, nên không nộp hồ sơ trực tuyến được”, ông Hoài nói.

Không chỉ người dân, mà ngay cả các cấp chính quyền cũng lúng túng khi áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Đơn cử như Sở Xây dựng - đơn vị chuyên thẩm định hồ sơ liên quan đến các dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh và cũng quyết tâm cải cách thủ tục hành chính bằng hình thức tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, công dân thông qua mạng.
 
Nhưng theo ông Nguyễn Đức Sơn - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng, dù quyết tâm cao nhưng việc tiếp nhận hồ sơ qua mạng rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do, hồ sơ mà Sở tiếp nhận để giải quyết rất lớn, trong đó có nhiều bản thiết kế, quy hoạch... không thể giải quyết trên mạng được, mà cần phải đọc bằng bản thảo để chỉnh sửa trực tiếp. “Ngay cả người dân hay tổ chức, cũng muốn mang hồ sơ đến giải quyết trực tiếp, bởi nếu có sai sót thì được cán bộ Sở hướng dẫn chỉnh sửa liền. Thời gian đến, Sở sẽ tập trung nghiên cứu để giải quyết hồ sơ cho các cá nhân và tổ chức qua mạng”, ông Sơn nói.
Đâu là giải pháp

Sở GTVT là một trong những đơn vị triển khai dịch vụ công tương đương mức độ 4 đầu tiên trên địa bàn tỉnh và được đông đảo người dân hưởng ứng. Nhưng theo lãnh đạo Sở GTVT, tỷ lệ người dân nộp hồ sơ qua mạng vẫn còn quá ít so với nhu cầu. Giám đốc Sở GTVT Hà Hoàng Việt Phương cho biết, hiện nay dịch vụ công của Sở đã áp dụng gần như là tốt nhất đối với các tổ chức, công dân. “Chúng tôi hy vọng nhiều người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ này để mang lại lợi ích cho cả người dân lẫn chính quyền”, ông Phương nói.

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho công tác CCTTHC thông qua dịch vụ trực tuyến còn nhiều hạn chế là do nhiều người dân chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin. Và khi không có máy vi tính kết nối internet thì rất khó nói đến việc dùng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, hệ thống mạng internet đôi khi còn gặp trục trặc trong việc truyền tải dữ liệu, nên nhiều lúc việc đăng ký hay cập nhật cũng còn gặp khó.

Ngoài ra, do tâm lý lo ngại về sự không thuận tiện, mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nên đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện. Việc tuyên truyền, phổ biến về lợi ích dịch vụ công này vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều người dân vẫn còn chưa biết các cơ quan, nhà nước ở Quảng Ngãi sử dụng dịch vụ này.

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.