Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25.3: Nghề của lòng nhân ái

09:03, 25/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác xã hội (CTXH) là hoạt động phát hiện, giúp đỡ những cá nhân, nhóm người gặp khó khăn... nhằm giúp họ vượt qua những rào cản của cuộc sống, giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội và giúp họ phát triển, hoà nhập với cộng đồng một cách tích cực nhất.

Công tác xã hội ra đời từ lâu và đã được nhìn nhận như một nghề chính thức, song nhìn từ góc độ nghề nghiệp, vai trò của người làm CTXH tại Việt Nam nói chung và ở Quảng Ngãi nói riêng vẫn chưa có sự tôn vinh cần thiết. Với những người làm CTXH, nếu không vì cái tâm với cộng đồng thì khó có thể cống hiến hết mình cho cộng đồng.

Cô Tuyết Mai với trẻ em khuyết tật trong giờ tập viết.               Ảnh: Trung Ân
Cô Tuyết Mai với trẻ em khuyết tật trong giờ tập viết. Ảnh: Trung Ân


Đơn cử như ở Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Nghĩa Hành), hiện đang nuôi dạy nội trú miễn phí cho 110 đối tượng trẻ khiếm thính, trẻ khó khăn về học, với 17 giáo viên cùng 10 nhân viên hỗ trợ. Mặc dù chỉ mới được thành lập gần 2 năm, nhưng Trung tâm đã mở được 6 lớp nghề với 90 học viên, đồng thời dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, vì là trung tâm thiện nguyện, nên vấn đề kinh phí và phụ cấp cho giáo viên và nhân viên gặp rất nhiều khó khăn. Định kỳ hằng quý, trung tâm cùng các thầy cô giáo, nhân viên phải thực hiện công tác vận động các tổ chức xã hội, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, nhằm hỗ trợ kinh phí cho trung tâm hoạt động.  

Có được kết quả ấy chính là nhờ vào sự gắn bó với nghề của những người làm CTXH ở trung tâm này. Cô giáo Huỳnh Thị Tuyết Mai, tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học, có việc làm ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng khi Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn được thành lập, cô đã xin về công tác. Cô Mai tâm sự: Với nghề này, kiến thức không chưa đủ, mà đòi hỏi phải có lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ với cộng đồng.

Trong cuộc sống hiện nay vẫn còn rất nhiều cá nhân như vậy đang hằng ngày dùng lòng nhân ái của mình để làm nghề trong các cơ sở bảo trợ xã hội nhà nước hay các đơn vị ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Họ đau với nỗi đau của người bệnh, họ đồng cảm với cái nghèo của người nghèo, họ trăn trở cho những khó khăn của người khuyết tật, họ bất bình trước sự bất công nào đó mà những người yếu thế phải đối diện.

Ông Huỳnh Văn Hòa - Phó trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh có trên 200 cán bộ làm CTXH được hỗ trợ 100% học phí để tham gia lớp đại học ngành CTXH, tại Trường ĐH Tài chính - Kế toán. Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH cũng mở từ 1 - 2 lớp tập huấn kỹ năng nghề CTXH cho cán bộ xã, huyện và các sở, ngành liên quan.

Trong những năm đến, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu cho tỉnh ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo cơ bản có trình độ đại học, cao đẳng về nghề CTXH vào các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp, ngành, cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH, để họ có cơ hội sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế công tác. Tiếp tục phát triển mạng lưới cộng tác viên CTXH ở các xã, phường của các huyện, thành phố trong tỉnh... Hy vọng rằng, với những kế hoạch cụ thể nêu trên, trong thời gian tới, nghề CTXH sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng cho công tác an sinh xã hội của tỉnh.


VŨ YẾN - TRUNG ÂN


 


.