Luật Tố tụng Hành chính năm 2015: Bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án

10:03, 13/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 25.11.2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tố tụng Hành chính mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016 (gọi tắt là Luật TTHC 2015). Luật TTHC 2015 gồm 23 chương, 372 điều (có 198 điều được sửa đổi, bổ sung, 63 điều giữ nguyên và 111 điều mới bổ sung thêm so với luật năm 2010). Trong Luật TTHC 2015, nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.
 
Cụ thể hóa người đại diện

 Luật TTHC 2010 quy định về người đại diện đã xác định có 2 trường hợp người đại diện, gồm: Người đại diện theo quy định pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Khoản 5, Điều 54 Luật TTHC 2010 quy định: “Người đại diện theo pháp luật trong TTHC thực hiện các quyền, nghĩa vụ TTHC của đương sự mà mình là đại diện. Người đại diện theo ủy quyền trong TTHC thực hiện toàn bộ các quyền, nghĩa vụ TTHC của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba”. Quy định này có đề cập đến người được ủy quyền trong TTHC, nhưng chưa xác định cụ thể trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì ai được ủy quyền đứng ra giải quyết vụ việc với phía nguyên đơn tại tòa.

 Để xác định rõ vấn đề này, Luật TTHC 2015 đã quy định cụ thể hơn người ủy quyền. Theo đó, Khoản 3, Điều 60 Luật TTHC 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong TTHC phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.

Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia TTHC thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia TTHC. Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này”.

 Theo quy định mới, trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức là bị đơn trong các vụ án hành chính thì chỉ có người đứng đầu hoặc người được ủy quyền là cấp phó được ra tòa giải quyết vụ việc. Với quy định này, luật mới đã cụ thể hóa người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người dân kiện cơ quan, tổ chức.
 
Đảm bảo bình đẳng trước tòa

 Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Võ Minh Tiến, quy định của Luật TTHC 2015, trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cơ quan, tổ chức là bị đơn trong các vụ án hành chính thì người đứng đầu (hoặc ủy quyền cho cấp phó) ra tòa để giải quyết vụ việc là một thay đổi, nhằm đề cao vai trò của người đứng đầu. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho phía nguyên đơn.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi ký và ban hành một văn bản, nhưng chính văn bản đó bị kiện thì khi ra tòa, nếu người ký văn bản trực tiếp đứng ra giải quyết, chắc chắn vụ việc sẽ được giải quyết một cách thấu đáo và nhanh hơn. Bởi, người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ có toàn quyền để quyết định các nội dung trong văn bản mà chính họ là người đặt bút ký. Quy định trên cũng sẽ đảm bảo được quyền lợi của các bên liên quan trong các vụ tranh chấp về thủ tục hành chính.

 Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, quy định mới yêu cầu người đứng đầu (hoặc chỉ ủy quyền cho cấp phó) giải quyết vụ án hành chính tại tòa là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính. Theo ông Thắng, quy định này đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Khi xảy ra tranh chấp về thủ tục hành chính, người đứng đầu hoặc cấp phó trực tiếp giải quyết, vừa nắm rõ vụ việc vừa thể hiện được trách nhiệm của người đứng đầu. Quy định mới sẽ không tạo áp lực cho cán bộ trong các cơ quan hành chính, bởi tất cả các vụ việc đều được giải quyết dựa trên các quy định của pháp luật.

 Theo các chuyên gia luật, mặc dù còn có ý kiến khác nhau về thẩm quyền xét xử đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện, nhưng nhìn chung Luật TTHC 2015 có nhiều ưu điểm vượt trội nhằm khắc phục khó khăn gặp phải trong thực tế xét xử; cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp 2013 và các quy định của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi). Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện quyền khiếu kiện, bảo đảm bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.

 NG.TRIỀU
 


.