Hệ lụy từ việc lấn chiếm lòng sông Kinh làm hồ nuôi tôm

04:03, 05/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Để có nguồn lợi từ việc nuôi tôm, hàng chục hộ dân ở xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi đã lấn lòng sông Kinh, đắp bờ xây hồ. Tình trạng này đã khiến dòng chảy sông Kinh bị tắc, tàu thuyền không thể lưu thông và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
 
 
Sông Kinh kéo dài hơn 6km từ Cửa Đại về cửa Sa Kỳ. Đây là dòng sông gắn liền với rừng dừa nước Tịnh Khê, tạo nên cảnh đẹp nên thơ. Lòng sông vốn rộng 40-50m thì nay chỉ còn ngót nghét 10m do bị những hồ tôm lấn chiếm.
 
Ồ ạt nuôi tôm rồi bỏ vắng
 
Lão nông Nguyễn Nhuận ngụ ở thôn Khê Hội, xã Tịnh Khê đã hơn 80 năm. Cũng từng ấy thời gian ông chứng kiến dòng sông Kinh “chết” mòn bởi sự tàn phá của con người. Đứng trước bờ sông, đưa mắt trầm buồn nhìn về những tấm bạc loang lổ rách của các hồ tôm, ông Nhuận không khỏi xót xa.
 
“Cách đây chục năm, tàu thuyền vào ra trên sông nhộn nhịp lắm. Nước sông trong vắt đến nhìn thấy cả đáy. Mà giờ thì...”- Bỏ lửng câu nói bằng tiếng thở dài, ông Nhuận hồi tưởng về dòng sông đẹp đẽ trong ký ức đã gắn bó lâu năm với cuộc đời mình.

 

Sông Kinh đang bị các hồ nuôi tôm lấn chiếm nghiêm trọng
Sông Kinh đang bị các hồ nuôi tôm lấn chiếm nghiêm trọng.
 
Từ năm 1995, phong trào nuôi tôm ở địa phương phát triển mạnh. Ban đầu chỉ vài hộ tận dụng nguồn nước ven sông để làm và có thu nhập khá. Lâu dần, mạnh ai người nấy làm, hơn 50 hồ nuôi tôm tự phát ngay trên dòng sông với độ dài 2km. Lòng sông vốn rộng 50-60m thì nay đã nhường 30-40m cho các hồ tôm.
 
Nhưng nuôi tôm thất bại nhiều vụ liên tiếp, các hộ dân lại tất bật đi tìm sinh kế mới. Dòng sông Kinh hiền hòa nay đìu hiu với những hồ tôm ngổn ngang. Nhà chòi, cầu tre không được tháo dỡ mà đứng xiêu vẹo ngay trên lòng sông. “Tiền đầu tư nuôi tôm bỏ ra còn không thu về được, thì lấy đâu ra tiền để thuê người tháo dỡ hồ tôm”- Đó là câu trả lời của nhiều hộ khi được hỏi về nguyên do vì sao không trả lại nguyên trạng cho dòng sông Kinh.
 
Sông Kinh vốn nhỏ bé, đã chịu không nổi những chất thải từ các hồ nuôi tôm nên bị ô nhiễm nặng. Cũng chính điều ấy, đã khiến cho các hồ nuôi tôm bị nhiễm bệnh, khiến người dân liên tục thất thu. Ông Trương Quang Vỹ- Cán bộ thủy sản xã Tịnh Khê chia sẻ: “Hiện tất cả các hồ tôm lấn chiếm lòng sông đều bị bỏ hoang với số lượng hơn 50 hồ. Chúng tôi vận động thế nào họ cũng không chịu tháo dỡ mà cứ để hoang, khiến cho môi trường sinh thái trên sông bị đảo lộn”.
 
Hơn 50 hồ nuôi tôm bị bỏ hoang gây ra sự ngổn ngang trên dòng sông Kinh
Hơn 50 hồ nuôi tôm bị bỏ hoang gây ra sự ngổn ngang trên dòng sông Kinh.
 
 
Hệ lụy chưa thể giải quyết
 
Cũng từ khi có các hồ tôm, dòng sông dần mất đi sự sinh động khi tàu thuyền chẳng còn đủ chỗ vào neo đậu tránh trú bão. Bởi, dòng sông nay đã quá chất hẹp và ngổn ngang. Tôm cá trên sông Kinh thì dần vắng bóng để nhường chỗ lại cho những hồ tôm nhân tạo hoang vắng.
 
Đến thời điểm hiện tại, sự ô nhiễm từ những hồ tôm trên sông vẫn đang tác động trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân ven sông Kinh. Anh Đỗ Hồng Hải là người dân sống phụ thuộc vào nghề đánh cá trên sông than thở: Ngày trước mình còn sống khỏe nhờ nghề này, chứ bây giờ thì khó lắm. Thủy sản chẳng còn nhiều nữa, kể từ ngày các hồ nuôi tôm xuất hiện. Nước sông bị bẩn nên ít có loài nào trụ nổi.
 
Đến mùa nước lớn, sông Kinh bị tắc nghẽn dòng không thể thoát lũ vì bị các hồ tôm chắn đường. Do đó, tình trạng nước ứ đọng rồi bốc mùi hôi thối thường xuyên xuất hiện. Nhiều hộ dân sống ven sông là những người phải gánh chịu hệ lụy ấy.
 
Không chỉ vậy, cảnh quan sinh thái của dòng sông Kinh bị xáo trộn đang ảnh hưởng rất lớn đến tiềm năng du lịch của địa phương. “Sông Kinh gắn liền với lịch sử và rất có tiềm năng du lịch. Bởi con sông nằm trong chuỗi du lịch liên kết từ rừng dừa nước- sông Kinh- khu du lịch biển Mỹ Khê. Để giải tỏa, trả lại sự nguyên trạng cho sông Kinh là vấn đề nan giải từ hàng chục năm nay của địa phương”- Ông Trương Thanh Thảo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho hay.
 
Lòng sông bị hẹp, cảnh quan sinh thái bị phá hủy, sông Kinh mất đi sự sinh động vốn có
Lòng sông bị hẹp, cảnh quan sinh thái bị phá hủy, sông Kinh mất đi sự sinh động vốn có
 
 
Địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cho chủ trương, kinh phí giải tỏa, nạo vét lòng sông nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Được biết, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN&PTNT đã tiến hành khảo sát thực trạng sông Kinh để giải quyết những ngổn ngang trên sông Kinh. Nhưng đến hiện tại, mọi dự định vẫn còn trên giấy.
 
Giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng sông, quy hoạch gắn với phát triển du lịch tại địa phương luôn song song với mục tiêu phát triển thành phường của Tịnh Khê. Thế nhưng, với thực trạng như hiện tại, liệu Tịnh Khê có hoàn thành được mục tiêu hay không? Đó là bài toán chưa có lời giải.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
 

.