Đừng để rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch

02:03, 02/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng vứt rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trên địa bàn tỉnh đang diễn ra ngày càng phổ biến, làm ảnh hưởng đến việc thu hút khách đến tham quan, du lịch.

TIN LIÊN QUAN

Do lượng khách tăng cao vào các ngày lễ, Tết, thứ bảy, chủ nhật, trong khi đội thu gom rác biên chế có hạn. Mặt khác, một số du khách chưa có ý thức cao trong giữ gìn vệ sinh chung đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường.

Rác "tấn công" điểm du lịch          
                        
Theo thống kê của UBND xã Đức Minh, từ đầu năm đến nay có khoảng 5.000 lượt khách đến bãi biển tham quan, du lịch. Trong số này, nhiều nhóm khách mang theo thức ăn, nước uống rồi vứt bỏ ngoài bãi biển. Khu vực bãi biển của xã có 21 quán ăn và nhiều quán nước giải khát dọc bãi biển, để phục vụ du khách. Chính quyền đã vận động các chủ quán thực hiện việc thu gom rác thải, nhưng rác thải vẫn tấp vào rừng dương và lối đi dọc ven biển. Chị Huỳnh Thị Thúy (Ba Tơ) cho biết: “Năm nào gia đình cũng đến đây để tham quan ngắm biển và thưởng thức hải sản, nhưng môi trường ở bãi biển Đức Minh chưa được cải thiện đáng kể”.

Cần tuyên truyền cho người dân và du khách ý thức bảo vệ môi trường.
Cần tuyên truyền cho người dân và du khách ý thức bảo vệ môi trường.


Tại bãi biển Mỹ Khê thuộc xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), dù Ban quản lý có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để nạn rác thải tấn công bãi biển. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đổ về bãi biển Mỹ Khê tăng cao, rác thải cũng vì đó mà tăng theo. Khu vực bị rác thải “tấn công” khoảng 1km dọc dài bờ biển phía nam Mỹ Khê thuộc Công ty Cổ phần Mỹ Khê Việt Nam quản lý. "Do công ty hoạt động kém hiệu quả, thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương nên tình trạng vứt rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan nơi bãi biển diễn ra ở khu vực này thường xuyên. Xã từng yêu cầu tỉnh xử lý hay giao trả đất cho xã để thuận lợi trong quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm", Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê Nguyễn Chí Cường, cho biết.

Còn ở khu vực giáp ranh xã Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi ) và Bình Châu (huyện Bình Sơn) nằm trên tuyến đường xuống cảng biển Sa Kỳ để lên tàu ra tham quan đảo Lý Sơn cũng luôn trong tình trạng đầy rác thải. Bà Huỳnh Thị Lụa ở thôn Định Tân nói: “Dân ở đây nói rằng, vứt rác xuống biển là không đúng, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển du lịch mà còn tác động đến chính môi trường sống của người dân. Nhưng không vứt xuống biển thì bỏ đi đâu. Mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để có chỗ đổ rác, xử lý rác để tình trạng này không còn diễn ra”.

Cần biểu dương cá nhân điển hình

Ở bãi Sau đảo Bé (tức xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn) kể từ ngày du lịch phát triển, khách đến tham quan ngày càng nhiều thì rác thải từ thức ăn, nước uống trong chai nhựa, túi nhựa bỏ lại trên bãi biển ngày càng nhiều. Người dân địa phương rất bức xúc trước tình trạng này, nhưng chính quyền địa phương chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ. Không thể để các điểm du lịch bị "rác thải tấn công", ông Trần Tia (40 tuổi) và ông Đặng Nhơn (53 tuổi) đã tình nguyện đứng ra thu gom rác ở khu vực này, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường ở vùng du lịch.

Còn tại thôn Tây, xã An Vĩnh, hơn 2 năm qua, bà Phan Thị Sâu (77 tuổi), hằng ngày đã âm thầm đến khu vực cổng Tò Vò để lượm từng vỏ nhựa, bao nilon mà du khách vứt ra. “Phong cảnh đẹp mà môi trường nhếch nhác thì du khách nào muốn đến nữa. Vì vậy, việc tôi nhặt rác là muốn môi trường nơi đây mãi trong lành để du khách đến luôn có ấn tượng với phong cảnh đẹp nơi này”, bà Sâu giải thích. Những suy nghĩ, hành động đó là thể hiện tinh thần bảo vệ môi trường sống của người dân và vùng du lịch, xứng đáng được biểu dương.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 


.