Dịch cúm gia cầm "thách thức" chính quyền cơ sở

04:03, 03/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáu ổ dịch với hơn 19 nghìn con gia cầm bị chết và tiêu hủy chỉ trong tháng 2. Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát khiến ngành chuyên môn và chính quyền cơ sở đối mặt với nhiều thách thức trong việc kiểm soát, ngăn chặn.             

TIN LIÊN QUAN


Sáng 1.3, hoạt động buôn bán gia cầm tại chợ đầu mối xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) trầm lặng hơn trước. “Nghe gà, vịt bị dịch bệnh nhiều, nên người tiêu dùng e ngại. Dù chúng tôi đảm bảo cung ứng gia cầm sạch, khỏe nhưng vẫn không có nhiều người mua”, bà Trần Thị Thu Hà, tiểu thương buôn bán gia cầm lý giải.

Về phía người tiêu dùng, họ cho rằng, chất lượng gia cầm được các tiểu thương cam kết bằng... miệng, mà không cung cấp được những thông tin liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ. Sự thận trọng ấy khiến việc tiêu thụ gia cầm tại chợ Nghĩa Dũng giảm hơn 30% so với trước thời điểm xảy ra dịch cúm.

Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, các điểm giết mổ gia cầm tự phát sẽ tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh.
Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả, các điểm giết mổ gia cầm tự phát sẽ tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh.


Trong khi đó, tại xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi), địa phương xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm, nhưng đến chiều 1.3, hoạt động buôn bán và giết mổ gia cầm vẫn diễn ra nhộn nhịp. Lập luận “gà, vịt mắc bệnh đã bị tiêu hủy hết rồi, lấy đâu mà ra chợ” của tiểu thương đã khiến người tiêu dùng lạc quan với chất lượng gia cầm được mua bán, giết mổ tại chợ. Vì lẽ ấy, nên giữa vùng “tâm dịch”, việc buôn bán và giết mổ gia cầm vẫn diễn ra bình thường, trong khi chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp kiểm soát hữu hiệu.

Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Đông Huỳnh Mười cho biết, hiện nay chính quyền địa phương đang tập trung giám sát và kiểm soát chặt chẽ số lượng gia cầm trong vùng dịch, đảm bảo không có gia cầm mắc bệnh “lọt” ra chợ; đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia cầm. Tuy nhiên, “hoạt động buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tại các chợ, cửa hàng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ,  mà phải trông chờ vào ý thức của người bán và người tiêu dùng”, ông Mười khẳng định.

Không chỉ xã Tịnh Ấn Đông, mà việc quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn lỏng lẻo. Nhất là khi, các điểm giết mổ gia cầm tự phát tại chợ không có biện pháp thu gom nước thải và chất thải, mà tiện đâu vứt đấy, nên dễ gia tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh.

Xảy ra thực trạng trên, chính quyền cơ sở cho rằng, họ rất khó quản lý và kiểm soát, vì “nguồn lực mỏng, chuyên môn yếu”. Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y lại phàn nàn “chính quyền một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt và cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh là trách nhiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y”. Theo Thông tư 07, chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm giám sát ổ dịch; bố trí lực lượng và phương tiện kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn.

Vì vậy, để tránh tình trạng “nhìn nhau", Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền cơ sở tăng cường trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng như triển khai thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng đợt 1.2017 diễn ra từ ngày 14.3 đến 14.4 đạt hiệu quả.  
                   

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.