Cuộc sống mới ở một vùng quê anh hùng

09:03, 26/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gánh chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh, nhưng với truyền thống quật cường, sau hơn 40 năm quê hương được giải phóng, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đã có bước chuyển mình mạnh mẽ.

Xuôi theo dòng sông Diêm Điền hiền hòa, thơ mộng và bên những đồng lúa xanh mượt là những ngôi nhà khang trang, cứ nối dài theo những con đường bê tông phẳng lỳ từ làng trên đến xóm dưới. Phía đông là biển, nơi hàng trăm tàu thuyền đánh cá ra vào nhộn nhịp. Đêm xuống, đèn điện sáng bừng trong từng ngõ xóm... Tịnh Hòa đang từng ngày đổi thay.

Vượt lên đói nghèo

Tịnh Hòa là xã thuộc huyện Đông Sơn cũ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, những địa đạo Minh Quang, Phú Mỹ... vẫn còn in dấu tích của một thời oanh liệt. Sau chiến tranh, nhắc đến Tịnh Hòa nhiều người nghĩ đến một địa phương xa xôi, cách trở, bởi do “ngược đường”. Còn bây giờ, Quốc lộ 24 thênh thang chạy cắt ngang rìa phía đông của xã. Đường liên xã cùng với cầu Diêm Điền được xây dựng, nên không còn chia cắt với các xã lân cận phía tây.

Bộ mặt nông thôn xã Tịnh Hòa ngày một khang trang.
Bộ mặt nông thôn xã Tịnh Hòa ngày một khang trang.


Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa Phạm Bách, cho biết: Trước năm 1975, Tịnh Hòa nằm trong xã Ba Làng An. Nói đến Ba Làng An là nói đến sự khốc liệt của những trận càn, những vụ thảm sát tàn ác của giặc Mỹ đối quân và dân ta. Sau ngày giải phóng, Tịnh Hòa là vùng đất chua mặn, sản xuất rất khó khăn.

Nhưng với truyền thống bất khuất, không chịu đói nghèo, nhân dân địa phương đồng lòng, bắt tay vào cải tạo ruộng đồng bằng cách xây đập ngăn mặn từ các cửa sông. Những con đập ngăn mặn Hòa Khê, Quỳnh Lưu và Bờ Đắp đá đen đến hôm nay vẫn còn hiện hữu và phát huy tác dụng. Từ những con đập ấy, nhân dân địa phương đã cải tạo được 700ha đất sản xuất nông nghiệp, cải thiện cuộc sống từ những ngày đầu gian khó.

Niềm vui lên phố

Là một xã thuần nông, với sự cần cù, siêng năng của người dân nên cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Đặc biệt, từ sau khi được sáp nhập về TP.Quảng Ngãi, diện mạo vùng quê này thực sự khởi sắc. Ông Phạm Bách cho biết thêm, từ năm 2014, trung bình mỗi năm địa phương được cấp khoảng 12 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhờ đó, xã đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, làm động lực cho các ngành kinh tế thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Năm 2016, ngành nông, lâm nghiệp chỉ chiếm 35,7% trong cơ cấu kinh tế của địa phương, trong khi đó dịch vụ chiếm hơn 29%, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm trên 35%. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt gần 249 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 24,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 6% dân số.

Hệ thống trường lớp học cho con em được xây dựng khang trang; trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống thủy lợi nội đồng, đã cơ bản được đầu tư bê tông; giao thông nông thôn từng bước hoàn thiện, chỉ còn khoảng 20% đường liên xóm chưa được bê tông. Đến nay, Tịnh Hòa đã đạt được 9 tiêu chí về nông thôn mới.

Trong những năm đến, xã chủ trương cơ cấu lại các ngành kinh tế. Theo đó, tập trung dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là tận dụng lợi thế trong phát triển dịch vụ khai thác thủy sản và hậu cần nghề cá ở thôn Xuân An, nơi có vũng neo trú tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài tỉnh.

Đã 42 năm từ ngày quê hương được giải phóng, vùng đất Ba Làng An xưa, một xã của huyện Đông Sơn cũ trong chiến tranh giờ đã là một phần của TP.Quảng Ngãi. Dù năm tháng cứ qua đi, nhưng mỗi dịp tháng 3 về, nhân dân nơi đây vẫn còn đậm ký ức về một thời chiến đấu gian khó, hào hùng của quân và dân khu đông. Giờ đây, những hy sinh, mất mát của cha anh ngày trước để có được một cuộc sống no ấm như hôm nay, vẫn luôn là niềm tự hào của thế hệ hôm nay và là động lực để họ phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: XUÂN THIÊN

 


.