Tết ấm áp, vui tươi

09:02, 02/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày Tết, nắng trải vàng khắp miền quê đất Quảng. Cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa óng ánh sắc màu. Đâu đâu cũng bắt gặp nụ cười hòa cùng không khí rộn rã đón chào năm mới với ngập tràn niềm vui và hy vọng.   

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự chương trình nghệ thuật đón Xuân Đinh Dậu 2017.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự chương trình nghệ thuật đón Xuân Đinh Dậu 2017.

Tết Đinh Dậu 2017 được nhân dân trong tỉnh chào đón với tâm thế háo hức. Nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc được gìn giữ và thể hiện với đa sắc màu.
 
Hoa nở từ lòng người

Giờ khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới diễn ra tại Quảng trường Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi) vào tối 27.1 (tức đêm 30 Tết) vô cùng ý nghĩa, ấn tượng. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Chủ tịch Ủy ban MTTQVN  tỉnh Lê Quang Thích; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng đã cùng đón giao thừa với nhân dân.

 

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào Xuân Đinh Dậu 2017 tại thành phố Quảng Ngãi.
Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào Xuân Đinh Dậu 2017 tại thành phố Quảng Ngãi.

Khác hẳn mọi năm, đêm hội giao thừa chào đón Tết Đinh Dậu 2017 không có pháo hoa, nhưng ấm áp đến lạ. Lòng người như nở hoa vì lẽ tình yêu thương được thắp sáng, không tổ chức bắn pháo hoa cũng là để tập trung lo cho người nghèo, đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn. Hàng nghìn khán giả nức lòng với chương trình nghệ thuật đặc sắc, được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Quảng Ngãi. Vào giờ khắc thiêng liêng, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Phạm Tấn Hoàng kêu gọi toàn Đảng bộ, quân và dân thành phố tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, tích cực đóng góp công sức và trí tuệ để phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến đô thị “Năng động và Thân thiện”.

Chị Nguyễn Thị Xuân Yến, ở phường Nghĩa Chánh xúc động nói: “Đêm giao thừa không pháo hoa nhưng ấm tình người. Vào giờ khắc thiêng liêng tôi cầu mong cho mọi người, mọi nhà được an khang, thịnh vượng trong năm mới”. Tại các địa phương trong tỉnh, đêm hội giao thừa cũng diễn ra trong không khí náo nức với các chương trình ca múa nhạc được dàn dựng công phu cùng những màn trống hội thể hiện khí thế và quyết tâm của năm mới.

Hơn 4.000 khách tham quan Lý Sơn trong dịp Tết

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết có hơn 4.000 du khách ra đảo tham quan. Để phục vụ nhu cầu khách tham quan, huyện đạo chỉ đạo Ban quản lý cảng Lý Sơn phối hợp với các đơn vị chức năng bố trí 10 chuyến tàu/ngày để phục vụ du khách.  Địa phương cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không tự ý nâng giá, tạo sự thân thiện trong phục vụ du khách.
Giàu bản sắc văn hóa

Nét đẹp văn hóa thể hiện rõ nét trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cùng với những lời chúc Tết, thăm hỏi, quan tâm lẫn nhau là các hoạt động văn hóa-văn nghệ, các trò chơi dân gian được tổ chức, mọi người xích lại gần nhau hơn. Tại trung tâm huyện Đức Phổ, từ tối 30 Tết đến tối mùng 4 Tết, Phòng VH-TT huyện tổ chức hội lô-tô với nhiều trò chơi dân gian. Trưởng Phòng VH-TT huyện Đức Phổ Võ Thị Ngọc, cho biết: “Từ người già đến trẻ con đều rất thích thú với các trò chơi dân gian. Trung tâm huyện đã trở thành điểm vui chơi ngày Tết của đông đảo bà con nhân dân trong huyện, những người con ở xa về quê đón Tết cũng đến đây để góp niềm vui ngày Tết”. Chị Ngọc cho biết thêm, ở các xã trên địa bàn huyện, nhất là các xã ven biển, các hoạt động như hát bài chòi, hát bả trạo, hát sắc bùa, hát hố diễn ra sôi nổi.

Tại huyện Bình Sơn, người dân cũng nô nức tham gia nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết. Trên địa bàn huyện có 3 xã tổ chức đua thuyền, 7 xã tổ chức chơi bài chòi, 7 xã tổ chức giải bóng đá, 15 xã tổ chức giải bóng chuyền. Rạng sáng mùng 4 Tết, tại cảng cá xã Bình Đông có hàng trăm người dân đến xem lễ hội đua thuyền nam, cự ly 1.000m. Tiếng reo hò, cổ vũ vang vọng cả một vùng trời.
 
Chị Huỳnh Thị Hiến ở thôn Sơn Trà, vui vẻ nói: "Từ lâu lắm rồi, ngày Tết quê tôi ai cũng háo hức xem lễ hội đua thuyền, cầu mong năm mới trời yên biển lặng, thuyền về tôm cá đầy khoang”.  Ở xã Bình Chánh, hội hát bài chòi cổ truyền được tổ chức rộn ràng ở xóm Phước Minh, thôn Bình An Nội bắt đầu từ hôm mùng 1 Tết. Các chị hiệu, anh hiệu hô và diễn xuất, hát nhiều bài vui nhộn, hài hước, mang tính giáo dục cao. "Hội hát bài chòi diễn ra đến mùng 9 tháng Giêng. Chúng tôi mong rằng qua hội hát bài chòi góp thêm hương sắc ngày Tết, đồng thời là dịp để thế hệ trẻ hiểu được giá trị văn hóa truyền thống, từ đó ra sức học tập, xây dựng quê hương. Đây cũng là hoạt động để gây nguồn quỹ giúp đỡ các cụ già khó khăn, bệnh tật", ông Hồ Văn Tâm - phụ trách tư vấn hoạt động lễ hội hát bài chòi xã Bình Chánh, chia sẻ.

 

 Sôi nổi hội đua thuyền ở huyện Bình Sơn.
Sôi nổi hội đua thuyền ở huyện Bình Sơn.


Ngày Tết ở đại ngàn cũng rộn ràng không kém dưới miền xuôi. Đồng bào các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong vui đón năm mới với nhiều chương trình ca múa nhạc, kịch, dân ca, dân vũ, kết hợp các loại hình nhạc cụ mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc. Tại các điểm di tích điện Trường Bà (Trà Bồng), Bảo tàng Ba Tơ  thu hút khá đông du khách đến tham quan.

Tại Bảo tàng Ba Tơ, trong những ngày Tết mở cửa thường xuyên, ngoài việc tìm hiểu các giá trị văn hóa-lịch sử, khách đến tham quan còn được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào Hrê trong dịp Tết. Nhiều xã ở vùng cao tổ chức các giải bóng chuyền nam, bóng đá nữ và các trò chơi dân gian gồm các môn đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co... Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc, cho biết: “Với các chính sách của Nhà nước và sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, 100% hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách đều có quà Tết. Nhân dân đón Tết vui tươi, đầy đủ và an toàn”.

Ở Lý Sơn, trong ngày Tết cũng rực rỡ mai vàng từ đất liền mang ra đảo. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức, trong đó tiêu biểu là vào mùng 4 Tết, nhân dân các xã An Vĩnh, An Hải mở hội đua thuyền Tứ linh. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm ở Lý Sơn để tưởng nhớ tiền nhân, đồng thời tạo khí thế vui tươi chuẩn bị cho mùa biển mới.

Điểm hẹn ngày Xuân

Từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, thời tiết nắng đẹp. Hàng nghìn người dân ở khắp các địa phương trong tỉnh đã đến Công viên Ba Tơ (TP.Quảng Ngãi) du xuân. Ai nấy cũng đều thích thú bởi nghệ thuật trang trí đặc sắc và vẻ đẹp lung linh, rực rỡ của các loài hoa. Nhiều người đến đây chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của ngày Tết, ghi dấu kỷ niệm đẹp ngay trên quê hương.  Công viên Ba Tơ đã được trưng bày hoa, cây cảnh với chủ đề “Bình minh - Hội tụ - Vươn tới tương lai”. Đây là điểm nhấn cho TP.Quảng Ngãi trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

NG.TRIỀU

 


NHÓM PV

 


.