Sau Tết, người dân lại Nam tiến

11:02, 14/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau những ngày đón Tết vui Xuân, đến khoảng hạ tuần tháng Giêng, nhiều người dân ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn) lại tiếp tục vào phương Nam để mưu sinh với đủ các nghề như bán bánh cam, bánh tráng, bún riêu, hủ tiếu... tại các khu công nghiệp lớn ở TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

TIN LIÊN QUAN

Chịu thương, chịu khó

  Vừa sắp xếp đồ đạc, hành lý chuẩn bị vào Nam mưu sinh, vợ chồng anh Kiều Văn Thân (49 tuổi) và chị Trần Thị Lan (44 tuổi), ở KDC Trung Nam, thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) cho biết: Vợ chồng anh làm nghề bán bánh cam dạo đã 14 năm rồi, hiện đang làm tại Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, thị xã Thuận An (Bình Dương).

Cũng nhờ nghề này mà gia đình xây được nhà cửa đàng hoàng, nuôi con cái ăn học, nuôi mẹ già và có của ăn của để. Chứ ở quê làm nông, chỉ dựa vào vài sào ruộng thì làm sao khấm khá lên được. Hằng năm, sau Tết lại khăn gói đón tàu xe lên đường vào Nam làm lụng, đến các dịp mùa vụ cũng về đôi lần để thu hoạch rồi vào lại trong Nam và đến cuối tháng Chạp thì về quê ăn Tết.

Nhờ mưu sinh với nghề buôn bán dạo ở phương Nam mà gia đình anh Kiều Văn Thân đã xây dựng được nhà cửa khang trang.
Nhờ mưu sinh với nghề buôn bán dạo ở phương Nam mà gia đình anh Kiều Văn Thân đã xây dựng được nhà cửa khang trang.


“Làm nghề này phải chịu thương chịu khó, hằng ngày cứ tầm 3 giờ sáng là thức dậy lo chuẩn bị và chở hàng (bánh cam, bánh tráng, bún riêu, hủ tiếu... -PV) đi bán ở trước cổng các nhà máy, xí nghiệp. 11 giờ trưa về lo cơm nước, rồi tiếp tục đi bán đến 5 giờ chiều lại về. Không chỉ gia đình tôi mà có đến hàng trăm gia đình ở các nơi khác, nhất là ở xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cũng bán các loại đồ ăn uống ở KCN Nam Tân Uyên, với số lượng hàng hóa mỗi ngày các chủ nậu đến bỏ sỉ có giá trị đến gần cả tỷ đồng.

Riêng vợ chồng tôi, bình quân mỗi ngày trừ các chi phí thuê trọ, ăn uống... còn lại cũng được 300 ngàn đồng và mỗi năm tích lũy được trăm triệu đồng. Cũng nhờ nghề này mà năm 2012, gia đình tôi xây được căn nhà, mua sắm vật dụng, tiện nghi sinh hoạt với số tiền 450 triệu đồng và trả hết nợ ngân hàng đã vay trước đó”, anh Kiều Văn Thân chia sẻ.
 

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã Bình Hiệp đạt 11%; tổng giá trị sản xuất năm 2016 đạt gần 160 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/người/năm; toàn xã còn 130 hộ nghèo, giảm 14 hộ so với năm 2015.

Không chỉ gia đình ông Kiều Văn Thân mà ở xóm Trung Nam, xã Bình Hiệp còn có trên chục gia đình mưu sinh bằng nghề buôn bán dạo ở KCN Nam Tân Uyên. Cũng nhờ nghề này mà nhiều gia đình có thu nhập khá, kinh tế gia đình phát triển, ổn định.

Mỗi năm mang về hàng chục tỷ đồng

Anh Nguyễn Xuân Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp cho biết, toàn xã có khoảng 500 lao động ở độ tuổi từ 40 – 50 đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên, có thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm số lượng lao động này mang về cho gia đình đến khoảng 40 tỷ đồng.

“Ở độ tuổi 40 – 50, nếu ở quê làm việc rất khó kiếm được thu nhập khá và ổn định như vậy. Bởi làm nông, quanh quẩn với mấy sào ruộng thì chỉ đủ ăn. Còn xin vào làm ở các nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp tại KCN Tịnh Phong hay VSIP Quảng Ngãi thì rất khó được tiếp nhận, vì họ lớn tuổi và không quen với tác phong lao động công nghiệp”, anh Hiền cho hay.

Ngoài số lao động lớn tuổi hằng năm hành phương Nam để mưu sinh, toàn xã Bình Hiệp còn có cả ngàn lao động trẻ hiện đang đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp tại KCN Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi, KKT Dung Quất và Khu phức hợp Chu Lai– Trường Hải (Quảng Nam). Bình quân thu nhập mỗi tháng đối với số lao động này từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng. Tính ra mỗi năm mang về địa phương đến 60 tỷ đồng.

 “Đây là nguồn thu nhập lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc giảm nghèo của địa phương. Tuy nhiên, việc lao động địa phương đi xa làm ăn cũng có một số mặt tồn tại, như ảnh hưởng đến việc chăm sóc nuôi dạy con cái của các gia đình; làng quê vào mùa vụ thiếu lao động sản xuất nông nghiệp và việc huy động thanh niên tham gia đoàn, hội và các phong trào ở địa phương gặp khó khăn”, anh Hiền chia sẻ.

Bài, ảnh: PHẠM DANH


 


.