Những tuyến kênh... khó dẫn nước

08:02, 27/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thay vì dẫn nước tưới tiêu, một số tuyến kênh lại biến thành đường hoặc bãi rác, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, vừa gây ô nhiễm môi trường…

Kênh... rác

Kênh N6 dài hơn 12km, phục vụ nước tưới tiêu cho hơn 1.000ha (năng lực thiết kế là 3.000ha) đất sản xuất nông nghiệp của 10 xã, phường, thị trấn thuộc hai huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Về mặt năng lực tưới tiêu, kênh N6 được đánh giá là tuyến kênh ổn định nhất trong hệ thống kênh Thạch Nham. Nhưng về mặt hiệu quả công trình, kênh N6 lại bất ổn vì... rác thải!

Rác thải ken đặc tại cụm điều tiết bãi B trên kênh N6.
Rác thải ken đặc tại cụm điều tiết bãi B trên kênh N6.


Nhiều điểm trên kênh N6 như cụm điều tiết bãi B, phường Nghĩa Lộ; cống qua đường Quang Trung hay xi phông đường tránh Đông...  thường ngập rác thải. Thực trạng này, theo Trưởng Trạm Quản lý thủy nông TP.Quảng Ngãi Hà Thế Vinh là do “người dân các xã, phường, thị trấn vứt rác thải xuống kênh N6 quá nhiều”.

Địa bàn tưới của kênh N6 rộng, công trình trên kênh nhiều, nên để đảm bảo an toàn, Trạm quản lý thủy nông thành phố cũng tăng cường tổ chức việc tuyên truyền cũng như ra quân vớt rác. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý rác trên kênh N6 lại bất thành. “Thiếu phương tiện, không có vị trí để tập kết và xử lý rác, nên mỗi khi chúng tôi ra quân vớt rác, người dân phản đối, vì họ biết chúng tôi phải phơi rác 3 - 4 ngày trước khi đốt”, ông Vinh cho biết. Vì lẽ đó nên việc xử lý rác thải trên tuyến kênh N6 cũng như 125km kênh mương trong TP.Quảng Ngãi đành phải... trông chờ vào ý thức người dân và sự vào cuộc của chính quyền các địa phương!

Chấn chỉnh tình trạng này, mới đây, UBND TP.Quảng Ngãi chỉ đạo Phòng TN&MT lập dự toán kinh phí, giao Công ty Môi trường đô thị đảm nhận việc thu gom và xử lý rác thải tại cụm điều tiết bãi B, phường Nghĩa Lộ. Tuy nhiên, theo ông Hà Thế Vinh, để không cứ mãi “người xả người dọn” như hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp và đơn vị liên quan trong việc xã hội hóa nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác thải, cần thiết phải có chế tài xử lý nghiêm tình trạng cá nhân, tổ chức vứt rác thải ra kênh.

Đường... kênh

Trong khi kênh N6 bị biến thành bãi rác thì từ nhiều năm nay, phía tây kênh Bm1, đoạn qua xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) chẳng khác nào con đường. Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp Phạm Tấn Tài, cho biết: “Phía tây kênh quá cao, nên nước không về tưới được. Vì vậy, để có nước sản xuất, người dân phải tự tạo nguồn nước bằng cách sử dụng máy bơm nước”. Sau nhiều năm “bất động”, giai đoạn 2015 - 2016, các kênh nhánh trên tuyến kênh Bm1 đã được kiên cố hóa, góp phần giảm diện tích đất bị “khát” của xã Tịnh Hiệp từ 240ha còn 60ha. Và, 60ha chưa đảm bảo nước tưới nằm ở phía tây kênh Bm1 là do... điều kiện địa hình!

Tuy nhiên, người dân cho rằng, tình trạng “đầu thừa cuối khát” phía tây kênh Bm1 là do kênh bị bồi lắng, lòng kênh cao gần bằng mặt đường. “Cao trình ở cuối kênh cao hơn đầu kênh gần 1m. Chính sự bất hợp lý này đã khiến phía tây tuyến kênh trở nên vô dụng, vì nước không thể chảy từ thấp lên cao”, một người dân xã Tịnh Hiệp cho biết.

Ngoài ra, đoạn giữa kênh Bm1, đoạn qua xã Tịnh Hiệp dài hơn 2km hiện vẫn chưa được kiên cố hóa, nên hiệu quả tưới tiêu không cao. Vì vậy, dù theo thiết kế, tuyến kênh Bm1 đảm bảo năng lực tưới cho 307ha diện tích lúa của xã Tịnh Hiệp, nhưng thực tế hiện nay chỉ có 240ha được hưởng lợi, số còn lại người dân phải sử dụng máy bơm. Vì vậy, chính quyền và người dân xã Tịnh Hiệp mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu, điều chỉnh đoạn phía tây kênh cũng như quan tâm, bố trí kinh phí để sớm kiên cố hóa đoạn giữa kênh Bm1.  
 

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.