Nhà văn hóa... rỗng ruột

09:02, 20/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là thực trạng xảy ra tại Nhà văn hóa thôn Mang Hin, xã Sơn Long (Sơn Tây),  được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng, nhưng rỗng ruột sau khi hoàn thành.

TIN LIÊN QUAN

Sơn Long là xã mới thành lập vào năm 2009, thuộc diện nghèo nhất tỉnh nên được tỉnh, huyện quan tâm “rót” vốn để đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có nhà văn hóa thôn Mang Hin. Ngày công trình khởi công, bà con Ca Dong ở thôn Mang Hin vui mừng, bởi từ nay họ sẽ không còn đi họp ở nhà dân hay tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ... ở sân trường nữa. Thế nhưng, niềm vui ấy không trọn vẹn khi công trình chỉ hoàn thành phần khung, còn lại các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, hội họp bên trong thì không có.

Nhà văn hóa trị giá 430 triệu đồng chỉ có vỏ không có ruột luôn trong tình cảnh cửa đóng then cài. Ảnh: P.V
Nhà văn hóa trị giá 430 triệu đồng chỉ có vỏ không có ruột luôn trong tình cảnh cửa đóng then cài. Ảnh: P.V


“Mỗi lần tổ chức họp thôn hay khu dân cư, người dân chúng tôi đều phải mang theo ghế để ngồi họp, người không có thì ngồi bệt xuống nền nhà”, anh Đinh Văn Chiếc, một hộ dân nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình nhà văn hóa thôn Mang Hin được đầu tư với tổng vốn đầu tư 430 triệu đồng do UBND xã Sơn Long làm chủ đầu tư, được khởi công vào năm 2015 và hoàn thành vào năm 2016. Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt thừa nhận, công trình nhà văn hóa thôn Mang Hin có vỏ mà không có ruột. Ông Vượt cho biết, công trình do UBND xã làm chủ đầu tư, nhưng khâu lập dự án, đề xuất dự án không đồng bộ.

“Nhà văn hóa xây dựng rất đẹp, nhưng không có thiết bị bên trong, không đảm bảo cho việc sinh hoạt, hội họp của người dân. Khi tôi lên làm Chủ tịch UBND xã thì nhà đã có rồi, chỉ có trách nhiệm trả nợ công trình và tôi cũng xem đây là bài học trong đầu tư xây dựng”, ông Vượt phân trần.

Cũng theo ông Vượt, để đảm bảo hoạt động của nhà văn hóa cần phải đầu tư hệ thống âm thanh, bàn ghế... với số tiền khá lớn. Tuy nhiên, ngân sách xã thì không thể kham nổi, còn huy động người dân đóng góp xã hội hóa thì càng khó, bởi hầu hết người dân ở đây đều là hộ nghèo, còn xin đầu tư riêng thì không thể.

P.V  
 


.